Điểm báo 27/11: Tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng
Tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên 200 triệu đồng; Phát triển tod thế nào khi làm đường sắt tốc độ cao?; Đào tạo văn bằng 2 tiếng anh: kẽ hở trong quản lý; Xét tuyển sớm vào đại học: trăn trở từ nhà trường;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 27/11.
TĂNG NGƯỠNG DOANH THU KHÔNG CHỊU THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG LÊN 200 TRIỆU ĐỒNG
Quốc hội đã biểu quyết chính thức thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với nhiều điểm mới được dư luận quan tâm. Nhiều tờ báo đăng tải thông tin này, trong đó, báo An ninh thủ đô, báo Đầu tư có bài viết: “Việc phải nộp thuế với mức doanh thu trên 200 triệu đồng/năm là phù hợp”.
Theo báo Đầu tư, Mức 200 triệu đồng là chấp nhận được, vì mức này không phải cố định, mà luật quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Đây là quy định mở, vì nếu ấn định mức cụ thể vào trong luật, thì khi cần thay đổi sẽ lại phải sửa luật. Cho dù chỉ sửa một điều, một khoản theo quy trình rút gọn cũng mất rất nhiều thời gian. Khi điều kiện kinh tế xã hội thay đổi thì có thể nâng mức doanh thu chịu thuế này lên.
PHÁT TRIỂN TOD THẾ NÀO KHI LÀM ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO?
Liên quan đến dự an Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, báo Giao thông có bài viết: “Phát triển TOD thế nào khi làm đường sắt tốc độ cao?”
Đường sắt tốc độ cao kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 22 tỷ USD từ dịch vụ, quảng cáo và quỹ đất tại các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Tuy nhiên, để biến kỳ vọng thành thực tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo báo Giao thông, Mô hình TOD muốn đạt được như kỳ vọng, quy hoạch khu đất quanh ga cần đặc biệt chú trọng. Hiện nhiều người hiểu nhầm rằng phát triển TOD sẽ thừa tiền để làm đường sắt. Nhưng thực tế, phải làm đường sắt trước rồi mới trông mong các dự án, mô hình khác có tiền đề phát triển. Riêng giải phóng mặt bằng để phát triển TOD, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để việc thương thảo với người dân.
ĐÀO TẠO VĂN BẰNG 2 TIẾNG ANH: KẼ HỞ TRONG QUẢN LÝ
Sau 2 năm học và đóng không thiếu một đồng học phí với mong muốn sớm được nhận bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên lớp văn bằng 2 tiếng Anh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ "chết đứng" khi được thông báo lớp học không tồn tại trong hệ thống quản lí của nhà trường. “Đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh: Kẽ hở trong quản lý” là tiêu đề bài viết trên báo Tiền phong.
Sau khi nhận được phản ánh của sinh viên, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và đang xử lí vụ việc này. Còn theo báo Tiền phong, Bên cạnh những cơ sở đào tạo có thương hiệu lâu đời thì nhiều trường đại học không có thế mạnh và truyền thống về đào tạo ngoại ngữ cũng "đua nhau" mở ngành đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh. Đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh dường như đang bị thả nổi, có vẻ đây cũng là “nồi cơm” của một số trường đại học hiện nay. Việc đổ xô đi học văn bằng 2 tiếng Anh hiện nay có một phần bắt nguồn từ các quy định, yêu cầu bằng cấp của các cơ quan tuyển dụng, cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian vừa học vừa làm, dẫn đến có hiện tượng "học giả, bằng thật".
XÉT TUYỂN SỚM VÀO ĐẠI HỌC: TRĂN TRỞ TỪ NHÀ TRƯỜNG
Nhận thức rõ những tác động đến học sinh khi được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo hình thức xét tuyển sớm, nhiều trường THPT đã đưa giải pháp để học sinh tránh xao nhãng, giảm động lực học tập, ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại, xét tuyển sớm không kích thích được học sinh học tập, phấn đấu trong học kỳ II của lớp 12, dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp không phản ánh thực chất năng lực của học sinh trong cả 3 năm THPT. Khi các trường đại học tổ chức xét tuyển sớm, với nhiều phương thức, đã đặt thêm “gánh nặng” định hướng nghề nghiệp lên các trường phổ thông. Biết trúng tuyển sớm, học sinh mang tâm lý chủ quan trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến giáo viên, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong dạy và học. Nhiều thầy cô mong các phương thức xét tuyển đại học nên thông báo kết quả cùng một lúc. Đã đến lúc cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, hạn chế những bất cập phát sinh từ đó.