Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: 'Gieo mầm' công nghệ để kết trái cho tương lai xanh
'Cách mạng Xanh 4.0' không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn cắt giảm phát thải, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì phiên thảo luận cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị P4G. (Ảnh: Tùng Đinh).
Cho rằng không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, đất suy thoái, khí hậu tiếp tục nóng lên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh “Cách mạng Xanh 4.0” không đơn thuần là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu, là một mệnh lệnh hành động để hướng tới tương lai xanh hơn.
Vì vậy, tại Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững” diễn ra hôm nay, 17/4, ông Duy dẫn câu hát nổi tiếng về cây lúa của Việt Nam “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay” và kêu gọi: “Hãy cùng nhau gieo mầm công nghệ ngay từ thời điểm này, vun đắp hợp tác để đơm hoa, kết trái cho tương lai xanh của toàn nhân loại.”
“Cách mạng Xanh 4.0” là mệnh lệnh
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay nhân loại đang đứng trước những thách thức chưa từng có như: Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đa dạng sinh học suy giảm nhanh; chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đứt gãy do biến động địa chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, an ninh lương thực bị đe dọa; khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, những nhóm dễ bị tổn thương (đó là nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp) lại đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
“Chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường nếu bỏ quên những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Và chúng ta không thể đòi hỏi những quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên môi trường bền vững, nếu thế giới không chia sẻ công bằng trách nhiệm và lợi ích,” ông Duy nói.
Ông Duy nhận định trong bối cảnh trên, “Cách mạng Xanh 4.0” không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân.
Tại Việt Nam, ông Duy cho biết nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số. Đáng chú ý, từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, ông Duy cũng lưu ý với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Do đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: “Không thể có một nền nông nghiệp thịnh vượng nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị đe dọa, nếu đất tiếp tục suy thoái, nếu khí hậu tiếp tục nóng lên.”

Nông nghiệp sạch. (Ảnh: TTXVN)
Trước những thách thức trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững. “Chúng tôi xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp,” ông Duy chia sẻ.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030...
Trong đó, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, được xem như một điểm sáng về chuyển đổi xanh.
Theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp và môi trường, tất cả những nỗ lực, kết quả trên đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Định hình hệ thống lương thực bền vững
Dù vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận thức sâu sắc rằng không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Lý do bởi đây là một nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân; nhất là trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.
“Chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu,” ông Duy nhấn mạnh.

Ứng dụng đổi mới trên là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh: TTXVN)
Với tinh thần đó, thông qua Diễn đàn P4G, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đối tác chia sẻ các chủ đề thiết thực sau: Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao năng suất, chất lượng và đặc biệt là giảm phát thải.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ứng dụng đổi mới trên là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà nhiều quốc gia đang hướng tới.
Thứ hai, các đối tác với cần chia sẻ vai trò của các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho người làm nông nghiệp, đặc biệt là nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các bên là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của các chương trình chuyển đổi.
Tiếp đó là việc chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình và thực tiễn tốt từ các quốc gia trong phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho người dân.
“Những kinh nghiệm quý báu sẽ góp phần làm giàu thêm tư duy và hành động chung của chúng ta,” ông Duy nhìn nhận.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng bày tỏ tin tưởng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, phiên thảo luận sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng, góp phần định hình một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững, đáp ứng yêu cầu của “Cách mạng Xanh 4.0” và bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ hành tinh duy nhất mãi xanh cho các thế hệ tương lai.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam kêu gọi các nước “Cùng biến những cam kết hôm nay thành hành động cụ thể ngày mai, vì một tương lai nơi mọi người dân - từ vùng cao Ethiopia đến đồng bằng Nam Phi, từ đồng ruộng Cần Thơ (Việt Nam) đến trang trại hữu cơ Ireland - đều được hưởng lợi từ hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, công bằng, thông minh và xanh.”
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết lại bằng một hình ảnh quen thuộc nhưng đầy ý nghĩa của người nông dân Việt Nam: “Một hạt lúa không chỉ là lương thực - đó còn là tấm lòng của người nông dân, kết tinh của công nghệ, thiên nhiên và khát vọng sống xanh của nhân loại.”/.