Công ty chứng khoán quy mô vừa tìm 'cửa' cạnh tranh ở thị trường ngách

SSI, SHS và nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ở mức cao trong năm 2025, nhưng mỗi đơn vị chọn một hướng đi khác nhau trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen thách thức.

Nỗ lực duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh bất định

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam xuất hiện nhiều biến động sau thông tin về chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhưng Công ty chứng khoán SSI vẫn kiên định năm 2025, là 9.695 tỉ đồng doanh thu và 4.252 tỉ đồng lợi nhuận, tăng lần lượt 15% và 20% so với kết quả đạt được năm 2024.

Một trong những cơ sở giúp ban lãnh đạo SSI đặt kết hoạch lợi nhuận kỷ lục là kỳ vọng phí dịch vụ chứng khoán và dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tiếp tục tăng trưởng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính, cho biết doanh thu chính trong năm 2025 tới từ mảng môi giới và cho vay, tiếp theo là tự doanh. Còn lại là ngân hàng đầu tư (IB) và quản lý quỹ.

“Năm 2024, dư nợ margin tăng tốt, bình quân tăng 41% so với 2023. Tới quý 1-2025 vẫn tiếp tục tăng trưởng, dự cả năm 2025 duy trì bình quân là 26.000 tỉ đồng, nhưng giai đoạn vừa qua, có thời điểm dư nợ có lúc lên 28.000-29.000 tỉ đồng. Nguồn lực tài chính của SSI đủ tiềm lực để tăng room margin cho khách hàng”, bà Hà nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.

Một số công ty chứng khoán hướng tới thiết kế dịch vụ, sản phẩm dạng "may đo" cá nhân, phù hợp với từng khách hàng. Ảnh minh họa: N.A

Một số công ty chứng khoán hướng tới thiết kế dịch vụ, sản phẩm dạng "may đo" cá nhân, phù hợp với từng khách hàng. Ảnh minh họa: N.A

Khác với SSI – đơn vị sở hữu nguồn vốn lớn, Công ty chứng khoán Rồng Việt chọn tập trung cho mảng tự doanh, trong bối cảnh phí môi giới được nhiều đơn vị đưa về 0 và chỉ trả phí cho các sở giao dịch, thậm chí lãi cho vay cũng duy trì ở mức rất thấp.

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Rồng Việt, cho biết “đã thấy trước bối cảnh này vài năm nay, nhưng phải chấp nhận”, vì “có thứ theo được, nhưng có thứ không theo được” các đối thủ cạnh tranh - đặc biệt các đơn vị có sự hậu thuẫn của ngân hàng, đã gia tăng năng lực vốn những năm gần đây nhờ nhiều phương án khác nhau,

“Vốn nhỏ tạo áp lực lên Rồng Việt, đây cũng là lý do ban lãnh đạo đề ra kế hoạch kinh doanh khiêm tốn. Chiến lược của chúng tôi là tìm thị trường ngách, không cạnh tranh về phí mà giúp khách hàng có hiệu quả đầu tư tốt”, ông Tuấn nói và cho biết danh mục tư doanh của Rồng Việt chủ yếu là cổ phiếu có nền tảng tốt thuộc lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ, công nghệ.

Với SHS, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2025 lần lượt ở mức 2.261,9 tỉ đồng và 1.369,1 tỉ đồng – tăng 13% và 11% so với năm 2024, được xây dựng dựa trên định hướng xây dựng các sản phẩm mang tính chất may đo, tức tập trung vào xây dựng các công cụ phục vụ và quản lý tài sản cho khách hàng. Đồng thời, đưa ra sự tư vấn phù hợp dựa trên tình hình tài chính của từng khách hàng.

“Mong muốn mà SHS hướng đến năm nay là xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng dịch vụ (service branding). Đây sẽ là chiến lược trọng tâm”, ông Vinh cho hay.

Từ phía ban điều hành, định hướng “service branding” thay vì “product branding” cũng được Tổng giám đốc Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh. Theo đó, quy mô nhân sự của đơn vị tăng từ 267 lên 306 người, chủ yếu tập trung tại bộ phận phân tích, công nghệ thông tin và tư vấn đầu tư.

“SHS đi con đường dài hơn, khó khăn hơn nhưng bền vững hơn là tập trung vào chất lượng tư vấn đầu tư, hướng đến quản lý tài sản, giao dịch và quản lý các tài sản hợp pháp trên thị trường, không chỉ riêng tài sản chứng khoán. Ngay năm 2025, SHS sẽ tiếp cận nhiều hơn đến nhóm khách hàng từ SHB khi hệ thống giao dịch, sản phẩm, hệ thống tư vấn đã được cải thiện”, ông Thành nói.

Chờ đợi cơ hội từ thị trường tài sản mã hóa

Không chỉ nỗ lực duy trì đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh mới, việc Chính phủ dự kiến triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa tại thị trường Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ.

Nhà đầu tư ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn với các dịch vụ do công ty chứng khoán cung cấp. Ảnh: T.Đào

Nhà đầu tư ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn với các dịch vụ do công ty chứng khoán cung cấp. Ảnh: T.Đào

Trong khi lãnh đạo SSI đưa ra các thông điệp theo hướng thận trọng, như “chưa có chủ trương mở sàn giao dịch”, hay “chỉ làm khi an toàn về vốn, về hiệu quả, về uy tín”, do phải cân nhắc những rủi ro mang lại cho công chúng và yếu tố quản trị công nghệ, thì các đơn vị quy mô nhỏ hơn như DNSE và SHS lại bày tỏ mong muốn cung cấp dịch vụ tiền mã hóa khi khuôn khổ pháp lý được mở ra.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán DNSE, cho biết sẽ tham gia cung cấp các sản phẩm về tài sản mã hóa để giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư. Bên cạnh đó đó, Encapital cũng mong muốn lập sàn giao dịch tài sản mã hóa nếu chính sách pháp luật cho phép.

“Khi sàn giao dịch tài sản mã hóa tồn tại, DNSE sẽ tích hợp để nhà đầu tư mua được tài sản, nhằm kết nối các sản phẩm. Qua đó, giúp khách hàng mua các tài sản khác nhau và sử dụng tiền một cách hiệu quả. Dù vậy, khi xây dựng một sàn giao dịch, yếu tố khó khăn nhất là bảo mật”, ông Giang nói.

Tương tự, ban lãnh đạo SHS cũng thể hiện mong muốn chiếm lĩnh thị trường này, khi ông Đỗ Quang Vinh cũng khẳng định doanh nghiệp mình sẽ là một trong các đơn vị đầu tiên đăng ký tham gia triển khai thị trường tài sản mã hóa. “Trong các cuộc chơi lớn, SHS mong muốn là người đi đầu. Với tiềm lực tài chính, quy mô hiện nay, chúng tôi tự tin có thể tham gia", ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Thành cũng tái khẳng định điều này khi đưa ra quan điểm đơn vị tiên phong tham gia sẽ nắm được lợi thế người đi đầu tại lĩnh vực tài sản mã hóa, dù thị trường hiện mới mang tính chất manh nha, chưa rõ ràng.

“Hiện xu hướng zero fee tác động nhiều đến lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Với tiềm lực của SHS, cùng việc đã có những trao đổi với một số đối tác nước ngoài thì nếu có cơ hội phù hợp, chúng tôi sẽ tham gia quyết liệt”, ông Thành nói.

Trước đó, bà Đoàn Mai Hạnh, Giám đốc cao cấp Kinh doanh và tự doanh thị trường tài chính, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS), từng cho biết đơn vị sẵn sàng tài sản mã hóa vào hệ sinh thái đầu tư, khi sản phẩm này được công nhận và có khung pháp lý rõ ràng. Đặc biệt, sản phẩm chứng khoán mã hóa, gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ - vốn có tính quen thuộc với nhà đầu tư, dễ tiếp cận và có thể chia nhỏ linh hoạt hơn chứng khoán truyền thống - sẽ được quan tâm.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cong-ty-chung-khoan-quy-mo-vua-tim-cua-canh-tranh-o-thi-truong-ngach/
Zalo