Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Sửa luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm'

Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung 3 dự án luật quan trọng của ngành gồm luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Hôm nay (25/5), Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp rà soát, góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục; tham vấn chính sách đối với Dự án luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Sửa đổi 3 dự án luật trong một kỳ họp Quốc hội

Tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã báo cáo quá trình tổ chức soạn thảo và các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân; thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình THCS, cấp bằng tốt nghiệp THPT; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi; một số quy định liên quan đến tài liệu giáo dục địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục; một số quy định về học bổng, về miễn, hỗ trợ học phí; một số sửa đổi để phù hợp với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Báo cáo tóm tắt về xây dựng chính sách của luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT xác định 5 nhóm chính sách gồm: Đổi mới cơ cấu hệ thống GDNN; Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN; Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào GDNN; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở GDNN; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.

Ông Hoàng Minh Sơn cũng báo cáo tóm tắt 6 chính sách của Dự án luật Giáo dục đại học (GDĐH) (sửa đổi), gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao;

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH hội nhập quốc tế; Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng GDĐH.

Khẳng định việc làm 3 luật trong một kỳ họp Quốc hội là một kỳ tích bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHXH lưu ý việc sửa đổi 3 dự án luật cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với một số dự án luật sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Bà Hoa cũng đề nghị việc sửa các luật cần tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong đào tạo một số ngành nghề đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, nghệ thuật, thể thao; vấn đề liên thông trong giáo dục; tính tương đương về bằng cấp giữa các chương trình đạo tạo (đào tạo bác sỹ chuyên khoa I, II với đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ)...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Tạ Văn Hạ cho rằng, việc sửa đổi 3 dự án luật về giáo dục là để thực hiện "Bộ tứ trụ cột" và phù hợp với việc chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy,

Đổi mới hệ thống giáo dục phải nhịp nhàng, thông suốt

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Liên quan đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban VHXH Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tách bạch rõ giữa "hai trục" gồm bậc trình độ về kiến thức và kỹ năng nghề, tương ứng với đó là hệ thống văn bằng, chứng chỉ. Ông Vinh cũng đề nghị làm rõ nội hàm các quy định phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc; có quy định phù hợp về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương.

Về các chính sách trong Dự án luật GDĐH (sửa đổi), Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT dứt khoát phải "quản" việc đào tạo trình độ tiến sỹ và đào tạo các ngành sư phạm, y tế, luật.

Đồng thời, Dự án luật phải có cơ chế để đầu tư cho các cơ sở GDĐH. "Tự chủ là trao quyền về đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính, tự chủ không phải là không nhận đầu tư từ ngân sách", ông Vinh nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc sửa luật Giáo dục, luật GDĐH và luật GDNN phải hướng đến đổi mới toàn bộ hệ thống, đảm bảo sự nhịp nhàng, thông suốt, đồng bộ để vận hành hiệu quả hơn, mạch lạc, hiện đại, dễ triển khai.

Theo Bộ trưởng, trong việc sửa 3 luật, từ khóa quan trọng nhất là gia tăng chất lượng. "Sửa Luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm. Buông ra nhiều nhưng một số cái phải nắm chắc để hệ thống quản lý phải đơn giản hơn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Đề cập đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ trưởng cho rằng cần chấp nhận một hệ thống đa dạng hơn trước.

"Trong Đại học Quốc gia có trường mầm non, tại sao không?", đặt ra vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng hơn là từng "thực thể" trong một cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu về chất lượng.

Bên cạnh đó, các dự án Luật cũng phải hướng tới phi địa giới hành chính trong tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, ngay từ năm học 2026-2027, ngành giáo dục sẽ thực hiện tuyển sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông không theo địa giới hành chính.

Đề cập đến một nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận trong Dự án luật GDNN (sửa đổi) là mô hình trường trung học nghề, Bộ trưởng khẳng định, đây là sự tích hợp sâu giữa bậc trung học về văn hóa và kỹ năng nghề.

Đối với GDĐH, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, định hướng trong 10 năm sắp tới, GDĐH Việt Nam phải phát triển nhanh, đầu tư mạnh, có tính chỉ huy cao. Về mô hình đại học Quốc gia, đại học vùng, Bộ trưởng lấy ví dụ về hiệu quả, tính dẫn dắt vùng của Đại học Thái Nguyên để khẳng định sự tồn tại hợp lý của mô hình này nhưng cũng nhấn mạnh yêu cầu mô hình quản trị bên trong cần phải thay đổi.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-truong-bo-gddt-sua-luat-de-buong-cai-can-buong-nam-cai-can-nam-204250525203731387.htm
Zalo