Xây dựng 'lá chắn' an toàn cho trẻ
Dù kỳ nghỉ hè mới chính thức bắt đầu nhưng cả nước đã liên tiếp ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là tai nạn đuối nước khiến dư luận không khỏi xót xa và lo lắng.
Không chỉ đuối nước, trẻ em còn đối mặt với nguy cơ bị tai nạn giao thông, ngã từ trên cao, bỏng, điện giật, hay thậm chí là bị xâm hại thân thể, tinh thần… Sự hiếu động, tò mò cộng với việc thiếu kỹ năng tự bảo vệ và sự lơ là, chủ quan của người lớn chính là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm này.
Mặc dù mỗi năm đến hè, các phương tiện truyền thông và ngành chức năng đều lên tiếng cảnh báo, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn nhưng tai nạn thương tích ở trẻ hầu như không giảm. Nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ và thiếu quyết liệt trong hành động. Không ít địa phương và đơn vị có liên quan chưa thực sự coi trọng việc phổ cập kỹ năng an toàn cho trẻ; việc giám sát, quản lý trẻ trong thời gian nghỉ hè phần lớn vẫn phó mặc cho gia đình, nơi mà không phải cha mẹ nào cũng có đủ thời gian và kiến thức để kèm cặp con em mình. Trong khi đó, các sân chơi lành mạnh cho trẻ trong dịp hè còn quá ít, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trẻ không có chỗ chơi, chỗ học kỹ năng nên tự tìm đến các ao hồ, sông suối như một cách giải trí, để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Để trẻ em có một mùa hè an toàn cần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh, về tầm quan trọng của việc phòng tránh tai nạn thương tích. Gia đình cần được hỗ trợ và hướng dẫn cách giám sát, giáo dục trẻ trong kỳ nghỉ, nhất là kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu cơ bản.
Các địa phương cần khẩn trương khảo sát và cảnh báo những khu vực nguy hiểm, lắp đặt biển báo, rào chắn ở các ao hồ, sông suối gần khu dân cư. Đồng thời, cần nhân rộng các lớp học bơi miễn phí, các chương trình trang bị kỹ năng sống, tổ chức những sân chơi hè an toàn, bổ ích cho trẻ em ngay từ đầu mùa hè với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Một mùa hè an toàn, bổ ích, ý nghĩa đối với trẻ em khi có sự chung tay hành động của toàn xã hội. Trong đó, sự chủ động của gia đình, trách nhiệm của nhà trường, sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng chính là những “lá chắn” vững chắc giúp bảo vệ trẻ trước mọi nguy cơ rình rập…