Bộ trưởng Bộ Công Thương: Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, công suất cao, giá thành hợp lý

Ngày 17/2, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hợp đồng "chìa khóa trao tay" là phù hợp

Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng thông tin, trên thế giới hiện có 431 nhà máy điện hạt nhân vận hành tại 32 quốc gia, 8 quốc gia làm chủ công nghệ mới, công suất lớn với tính năng vượt trội, an toàn như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và với tiến độ đặt ra, bà Tú Anh cho rằng, cần chính sách đặc thù mới hoàn thành. Hợp đồng "chìa khóa trao tay" là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lựa chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng, theo bà là phù hợp để bảo dưỡng nhà máy liên tục trong trường hợp hết hợp đồng "chìa khóa trao tay". Nhưng về lâu dài, chủ đầu tư cần kế hoạch chuẩn bị năng lực, kỹ thuật thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy cho Việt Nam.

Còn ĐBQH Lê Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Chủ tịch PVN đề nghị Quốc hội sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để dự án hoàn thành đúng lộ trình, vận hành 2030 hoặc chậm nhất năm 2031.

ĐBQH Lê Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

ĐBQH Lê Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Theo ông Hùng, xu hướng dịch chuyển năng lượng xanh ngày càng lớn. Với Việt Nam, đến năm 2030, chúng ta sẽ không còn làm điện than, kịch bản tăng trưởng cao thì đòi hỏi phụ tải điện năng phải tăng trưởng lớn, điện dự phòng tăng cao. Chính vì thế, yêu cầu phải có điện nền, đặc biệt là điện hạt nhân là ngày càng cấp thiết.

Theo ông Hùng, mục tiêu của Trung ương yêu cầu phát triển nhà máy điện hạt nhân đưa vào sử dụng năm 2030 và muộn nhất 2031. Đây là mục tiêu rất áp lực, trong khi đó điện hạt nhân quy mô lớn, phức tạp nên cần cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ để các chủ thể tham gia có thể thực hiện được.

"Xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước"

ĐBQH Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, có một cử tri trẻ gửi tin nhắn cho ông tại kỳ họp thứ 8 trước khi ấn nút thông qua chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận rằng: "Điện hạt nhân rẻ, ổn định, ít phát thải và công suất lớn, xin đừng để tuột mất cơ hội làm chậm sự phát triển của đất nước".

Theo ông Mai, hiện nay nhiều quốc gia đang điều chỉnh chính sách và có nhiều động thái mới liên quan đến điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải các bon. Tại Việt Nam, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn thì sự phát triển điện hạt nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan và hợp quy luật. Do đó, việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, là chính sách đột phá.

ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

ĐBQH Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Song, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và tích cực thì dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng như vấn đề tài chính, công nghệ, và an toàn môi trường xã hội...

"Để dự án được thực hiện thành công, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên nghiên cứu, đánh giá kỹ toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững", ông Dương Khắc Mai đề nghị.

Giải trình các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển KT-XH của đất nước trong kỷ nguyên mới thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng nêu rõ, nhu cầu điện ở nước ta trong những năm tới rất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 8-10% trở lên đến năm 2030. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống của đến năm 2030 dự kiến khoảng 230.000 MW, tức gấp 3 lần công suất hiện nay.

Trong khi đó, chúng ta đã cam kết với quốc tế là đạt trung hòa các-bon vào năm 2050, cho nên phải phát triển rất mạnh các loại hình nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo để chúng ta đáp ứng được nhu cầu điện năng tăng thêm và nhu cầu điện sạch để phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn, góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số về kinh tế trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-dien-hat-nhan-la-nguon-dien-sach-cong-suat-cao-gia-thanh-hop-ly-169250217141227676.htm
Zalo