Thị trường toàn cầu ổn định nhờ tiến triển thương mại
Thị trường tài chính toàn cầu duy trì đà ổn định trong tuần qua, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên, được kỳ vọng là mở đầu cho hàng loạt thỏa thuận khác trong thời gian tới. Tâm lý nhà đầu tư cũng được cải thiện đáng kể trước thềm cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra cuối tuần tại Thụy Sĩ.

Thị trường toàn cầu ổn định nhờ tiến triển thương mại
Tại Mỹ, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã quay trở lại mức của ngày 2/4, hoàn toàn xóa đi mức giảm 15% sau khi ông Trump công bố loạt thuế quan đối ứng vào "Ngày Giải phóng". Trong khi đó, chỉ số DAX của Đức lập đỉnh lịch sử mới, còn chứng khoán Nhật ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất trong hơn hai năm.
Tâm lý tích cực của thị trường được củng cố nhờ loạt biện pháp kích thích mạnh tay từ Trung Quốc, bao gồm hạ lãi suất và bơm thanh khoản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã giảm lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có động thái nới lỏng mới, nhưng việc duy trì chính sách ổn định cũng mang lại sự an tâm trong bối cảnh nhiều bất định.
Về kết quả kinh doanh, đã có 450 doanh nghiệp thuộc S&P 500 công bố lợi nhuận quý I, với tăng trưởng bình quân khoảng 14%. Tuy nhiên, theo phân tích từ IBES/LSEG, số lượng dự báo lợi nhuận giảm trong quý II cao gần gấp đôi số lượng dự báo tăng.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm Phố Wall. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và các chỉ số chứng khoán hầu như không biến động trong tuần, phản ánh sự hoài nghi của giới đầu tư về tính nhất quán của chính sách Mỹ. Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance tiếp tục công kích Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong khi ông Trump bất ngờ đề xuất mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc - phát biểu mà Nhà Trắng sau đó xác nhận là không chính thức.
Ngay cả khi các thỏa thuận thương mại chính thức được ký kết và mức thuế giảm so với đề xuất ban đầu ngày 2/4, thì chúng vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với thời điểm trước khi ông Trump nhậm chức. Nhà kinh tế Phil Suttle ước tính thuế suất hiệu lực trung bình tại Mỹ sẽ đạt khoảng 22%, tăng gấp bốn lần so với mức đầu nhiệm kỳ.
Các chuyên gia của Goldman Sachs cảnh báo rằng, dù dữ liệu kinh tế hiện tại vẫn ổn định, nền kinh tế Mỹ đang tiệm cận ngưỡng suy giảm hoạt động.
Với nhà đầu tư, cách nhìn nhận thị trường hiện tại phụ thuộc vào điểm xuất phát: Lạc quan vì thuế quan không cao như dự đoán, hay bi quan vì mức thuế vẫn cao hơn đáng kể so với trước? Trong bối cảnh bất định kéo dài và tầm nhìn hạn chế, giai đoạn “tạm nghỉ” hiện tại có thể là khoảng đệm cần thiết.
Tất cả sự chú ý hiện dồn về Geneva, nơi phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu sẽ đàm phán thương mại với Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Hà Lập Phong. Diễn biến thị trường đầu tuần tới có thể sẽ rất đáng chú ý.
Tổng hợp diễn biến thị trường nổi bật trong tuần
- Ba chỉ số chính của Phố Wall cùng các chỉ số MSCI Toàn cầu và MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) kết tuần gần như không thay đổi, dao động trong biên độ 0,5% – sự ổn định bề mặt có thể che giấu những biến động ngầm.
- Chỉ số DAX của Đức lập đỉnh cao mới, tăng 18% từ đầu năm và tăng 27% kể từ đáy ngày 7/4.
- Chứng khoán Nhật tăng tuần thứ tư liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong hơn một năm khi được hỗ trợ bởi đồng yên Nhật yếu.
- Biên độ tín dụng của trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao tại Mỹ thu hẹp tuần thứ năm liên tiếp, lần đầu tiên kể từ hai năm trở lại đây, hiện xuống còn 350 điểm cơ bản.
- Bitcoin tăng gần 10%, lần đầu vượt mốc 100.000 USD kể từ tháng 2.
Các sự kiện có thể tác động đến thị trường vào phiên đầu tuần tới:
- Diễn biến từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Geneva
- Phản ứng với dữ liệu lạm phát của Trung Quốc công bố thứ Bảy
- Số liệu lạm phát tháng 4 của Ấn Độ
- Dữ liệu thương mại và tài khoản vãng lai tháng 3 của Nhật Bản
- Phát biểu của các quan chức BoE tại sự kiện ở London: Megan Greene, Clare Lombardelli, Catherine Mann và Alan Taylor.
Ở thông tin khác, những động thái đầu tiên của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 cho thấy chi tiêu liên bang không những chưa được kiểm soát, mà còn có dấu hiệu tăng so với thời ông Biden. Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley tuần này dự báo thâm hụt ngân sách năm 2026 sẽ lên tới 7,1% GDP, tăng từ mức 6,7% trong năm 2025, tương đương mức gia tăng khoảng 310 tỷ USD. Những con số này có thể khiến giới đầu tư lo ngại và gây thêm áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn.