Bộ Tài chính: Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục, nhưng vẫn mở rộng quy mô

Bộ Tài chính tiết lộ, nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác,...

Trong báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được tiết lộ mới đây, Bộ Tài chính cho biết: Tính hình kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI đang sa sút.

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam, thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư, số lượng dự án tăng lên, góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước.

 Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa/DT)

Bộ Tài chính vừa có báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa/DT)

Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp FDI nhìn chung vẫn đảm bảo an toàn tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó hệ số nợ duy trì cân bằng tương đối giữa nguồn lực tài chính tự có với nguồn vốn huy động bên ngoài, khả năng thanh toán ở ngưỡng an toàn.

Các doanh nghiệp FDI chi phối có đóng góp lớn cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, chiếm 75% trị giá xuất khẩu và 67% giá trị nhập khẩu cả nước. Đồng thời, FDI đẩy mạnh cán cân thương mại với kết quả thặng dư 47,8 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2022.

Mặc dù chịu nhiều yếu tố bất lợi từ trong và ngoài nước, nhiều lĩnh vực bị tác động trực tiếp hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thế nhưng vẫn có một số lĩnh vực lội ngược dòng, ví dụ như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khai khoáng, nghệ thuật, vui chơi giải trí, y tế,...

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nguồn vốn FDI dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung ở các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng sinh lời của khối FDI trong năm 2023 giảm sút so với năm 2022. Cụ thể, doanh thu giảm 4,3%, lợi nhuận trước thuế giảm 14,2%, lợi nhuận sau thuế giảm 15,7% dẫn đến số nộp ngân sách nhà nước giảm.

Đặc biệt, Bộ Tài chính tiết lộ, hoạt động kinh doanh bất động sản mất vai trò động lực tăng trưởng khi đồng loạt giảm sút vào năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về cả số lượng và giá trị. Nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác,...

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng có mức đóng góp vào ngân sách ở mức khiêm tốn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư và kết quả kinh doanh thấp hơn.

Với kết quả như trên, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động, đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách, tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-tai-chinh-nhieu-doanh-nghiep-fdi-bao-lo-lien-tuc-nhung-van-mo-rong-quy-mo-post335041.html
Zalo