Bộ Tài chính lên tiếng về việc nhiều trụ sở cấp xã huyện bị 'bỏ hoang'
Sau phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều trụ sở làm việc dôi dư tại các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị bỏ không sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp xử lý vấn đề.

Trụ sở cũ của Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: TTXVN)
Ngay sau khi nắm bắt thông tin từ báo chí, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, Bộ đề nghị các Sở Tài chính báo cáo những khó khăn, vướng mắc cụ thể để kịp thời phối hợp xử lý.
Cục Quản lý công sản cũng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Sở Tài chính các địa phương. Theo thông tin tiếp nhận, những vấn đề nêu trong bài báo phản ánh đúng thực tế phát sinh trong giai đoạn 1 của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã (2019-2021). Tuy nhiên, sau giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã được điều chỉnh, cập nhật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử lý các tài sản dôi dư.
Bộ Tài chính khẳng định, đến nay hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật đất đai đã được hoàn thiện, phân định rõ trách nhiệm tổ chức xử lý tài sản, thẩm quyền, cũng như các hình thức xử lý tài sản công dôi dư. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 2024 và Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan. Chính phủ cũng ban hành các nghị định như Nghị định 114/2024/NĐ-CP, Nghị định 03/2025/NĐ-CP và Nghị định 50/2025/NĐ-CP.
Các quy định pháp luật mới đã phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp trong việc xử lý nhà, đất dôi dư, tránh chồng chéo và ách tắc trong thực hiện. Trong đó, tài sản công là nhà, đất nếu thuộc diện bị thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai thì không cần phải thực hiện quy trình sắp xếp lại theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và xử lý được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai. Không áp dụng hình thức bán đối với nhà, đất công mà thay vào đó là giao đất, cho thuê đất theo pháp luật đất đai. Người được giao, thuê đất phải hoàn trả phần giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất.
Đối với các cơ sở dôi dư không còn nhu cầu sử dụng, Nhà nước giao cho tổ chức phát triển quỹ đất hoặc tổ chức kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác; có thể chuyển đổi công năng để sử dụng làm cơ sở y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, công viên… phục vụ nhu cầu cộng đồng.
Theo báo cáo từ ba địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các vướng mắc không còn nằm ở khung pháp lý, mà chủ yếu do việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; công tác rà soát, cập nhật quy hoạch chưa kịp thời; số lượng cơ sở dôi dư phát sinh lớn; và sự thiếu quyết liệt trong tổ chức triển khai của một số cơ quan, đơn vị tại địa phương.
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo. Trong đó, nổi bật là Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước và Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương vào ngày 9/4/2025 để hướng dẫn xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như Công văn số 2950/BTC-QLCS ngày 11/3/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch xử lý tài sản công không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, xác định rõ tiến độ thực hiện và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo các nghị quyết, kết luận mới nhất của Trung ương và Bộ Chính trị, đồng thời theo dõi sát tình hình tại địa phương để kịp thời hướng dẫn, xử lý phát sinh thực tiễn.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện hiệu quả, đúng quy định, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước.