Bộ Tài chính: Doanh nghiệp FDI báo lỗ có chiều hướng gia tăng
Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ Tài chính cho biết, trong số 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính, có 16.292 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, tăng 21,2%; số doanh nghiệp bị lỗ lũy kế là 18.140 doanh nghiệp, tăng 15%.
Số doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 doanh nghiệp, tăng 15,2%; số lỗ năm 2023 là 217.464, tăng 32%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.
Về doanh thu, Bộ Tài chính cho biết doanh thu của các doanh nghiệp FDI năm 2023 đạt hơn 9,4 triệu tỷ đồng, giảm hơn 426,9 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Năm địa phương có doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp FDI lớn nhất lần lượt là: TP.HCM (1,4 triệu tỷ đồng), Bắc Ninh (1,2 triệu tỷ đồng), Đồng Nai (749 nghìn tỷ đồng), Bình Dương (731 nghìn tỷ đồng), Hải Phòng (693 nghìn tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI năm 2023 ghi nhận đạt hơn 411.700 tỷ đồng, giảm khoảng 68.300 tỷ đồng so với năm 2022. Trong khi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI được ghi nhận đạt khoảng 377.000 tỷ đồng, giảm gần 63.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, tổng tài sản của 28.918 doanh nghiệp FDI có báo cáo trong năm 2023 đạt gần 9,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,8%.
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI cùng kỳ đạt khoảng 4,19 triệu tỷ đồng, tăng 5,5%. Tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp FDI cùng kỳ khoảng 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI trong năm 2023 là 1,38 lần. Các lĩnh vực đầu tư FDI có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 3,7 lần; lĩnh vực thông tin, truyền thông hơn 3 lần; sản xuất phân phối điện, khí đốt 2,6 lần, bán buôn, bán lẻ 2,2 lần.
Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về số lượng và giá trị vốn.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước rất thấp.
Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.
Để quản lý chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tăng cường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động.
Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội. Ngoài ra, có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp FDI đang hoạt động đầu tư tại địa phương.
Cơ quan này cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách Nhà nước...
"Tăng cường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đang hoạt động; đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của Bộ Tài chính sau khi tổng hợp, phân tích Báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI. Từ đó, chủ động có các biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.