Bộ Tài chính 'bắt tay' triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 201/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57.

Ảnh minh họa.
Kế hoạch vạch rõ 9 nhiệm vụ do Bộ Tài chính chủ trì theo chức năng quản lý về tài chính - ngân sách nhà nước và giao cụ thể cho các vụ, cục chuyên môn phụ trách trực tiếp.
Các nhiệm vụ đó gồm: Sửa đổi một số quy định trong Luật Ngân sách nhà nước để có quy định riêng cho phù hợp với đặc thù và thông lệ quốc tế trong lập dự toán, quyết toán, tài trợ và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
Rà soát để sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực;
Thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nghiên cứu chính sách không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập và hoạt động không vì lợi nhuận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết gửi Vụ Pháp chế; báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện gửi Vụ Pháp chế định kỳ 6 tháng, trước ngày 10/6 và trước ngày 20/11 hàng năm để tổng hợp, trình Bộ thực hiện báo cáo Chính phủ đối với các đề án/báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương.
Bên cạnh đó là sửa đổi Nghị định số 79/2021/NĐ-CP, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng giảm tỷ lệ vay lại xuống mức thấp nhất, không yêu cầu bảo đảm tiền vay đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Một số nhiệm vụ khác là: Xây dựng cơ chế cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư để xây dựng nền tảng số có quy mô quốc gia, vùng và được sử dụng chung cho nhiều cơ quan, tổ chức;
Bảo đảm nguồn lực phục vụ di chuyển hệ thống công nghệ thông tin từ các bộ, ngành, địa phương lên Trung tâm dữ liệu quốc gia; sửa đổi hoặc ban hành thay thế Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; hoàn thành việc triển khai các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số, bảo đảm kết nối với Đề án 06.

Qua rà soát, tổng hợp, tổng chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: TL.
Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 18 chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ trên nền tảng thương mại điện tử; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, đăng ký thành lập doanh nghiệp, mua bán hóa đơn điện tử.
Với các nhiệm vụ không phải là đề án/báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương, đơn vị được giao chủ trì chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo tiến độ, kết quả theo yêu cầu.
Được biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo Vụ Ngân sách nhà nước tham mưu để ban hành Quyết định nói trên nhằm "giao rõ địa chỉ" các nhiệm vụ tới các đơn vị chuyên môn để có thể bắt tay ngay vào triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Trong bài phát biểu trước Chính phủ liên quan đến nội dung này diễn ra vào đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn đề đạt một số giải pháp.
Trước tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó chú trọng xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro. Cụ thể là trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Khoa học công nghệ theo hướng quy định rõ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng phương án phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và thanh, quyết toán. Việc này sẽ giải quyết ngay những điểm nghẽn về cơ chế chính sách.