Đột phá theo Nghị quyết 57: Gỡ rào cản ứng dụng công nghệ bảo vệ thiên nhiên

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, giúp khoa học công nghệ phát huy vai trò mạnh mẽ hơn trong bảo vệ thiên nhiên.

Cá thể Mèo gấm (Pardofelis marmorata) do bẫy ảnh ghi được. (Ảnh: TTXVN phát)

Cá thể Mèo gấm (Pardofelis marmorata) do bẫy ảnh ghi được. (Ảnh: TTXVN phát)

Các chuyên gia môi trường nhận định mặc dù ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, tài chính đã có những bước tiến đáng kể, nhưng trong công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững thì vẫn còn gặp nhiều rào cản về nguồn tài chính, nhân lực.

Trước bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc, giúp khoa học công nghệ phát huy vai trò mạnh mẽ hơn trong công tác bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Thành công bước đầu

Thời gian qua, dù còn nhiều thách thức, khó khăn, nhưng đã có một số mô hình thành công trong bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học nhờ ứng dụng công nghệ.

 Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương thực hiện lắp đặt bẫy ảnh tại các tiểu khu. (Ảnh: TTXVN phát)

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương thực hiện lắp đặt bẫy ảnh tại các tiểu khu. (Ảnh: TTXVN phát)

Điển hình là việc triển khai phần mềm SMART tại nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia như Xuân Liên (Thanh Hóa) và Cúc Phương (Ninh Bình).

SMART là viết tắt của tên bộ công cụ Quản lý dữ liệu và Báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Việc ứng dụng SMART hỗ trợ thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ các cuộc tuần tra rừng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng; cải thiện đáng kể khả năng giám sát và phản ứng nhanh trước các hành vi vi phạm như khai thác gỗ trái phép và săn bắt động vật hoang dã.

Từ đó, dữ liệu thu thập được cung cấp cơ sở cho việc ra quyết định và lập kế hoạch bảo tồn hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám và ảnh vệ tinh cũng đang được sử dụng để theo dõi sự thay đổi của thảm thực vật, giúp dự báo nguy cơ cháy rừng và suy giảm đa dạng sinh học.

Công nghệ này cho phép cơ quan chức năng theo dõi biến động rừng theo thời gian thực và đưa ra biện pháp phòng ngừa kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ viễn thám giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực so với phương pháp truyền thống, đồng thời cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho công tác quản lý rừng.

Theo ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), công nghệ viễn thám đang có những bước phát triển nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây.

Công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.

Hàng loạt nhiệm vụ đã được Cục Viễn thám quốc gia triển khai trong thời gian qua như Dự án “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền trung;” Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng;” Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám”…

Trong lĩnh vực bảo tồn, công nghệ sinh học đang được áp dụng để nhân giống cây quý hiếm thông qua nuôi cấy mô, cứu phôi và chuyển gene. Điều này giúp bảo tồn nguồn gen quý, nâng cao chất lượng rừng và đa dạng sinh học.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng nghèo, tăng diện tích rừng chất lượng cao, đồng thời bảo tồn hiệu quả các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, công nghệ dữ liệu lớn cũng đã được đưa vào giám sát chất lượng nước tại các dòng sông lớn. Hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ô nhiễm và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời, góp phần cải thiện chất lượng nước, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, để ứng dụng hơn nữa công nghệ trong bảo vệ thiên nhiên môi trường, cần có cơ chế hỗ trợ dài hạn.

Nếu các chính sách chỉ tập trung vào các dự án ngắn hạn, thì khoa học công nghệ khó có thể tạo ra sự thay đổi bền vững. Việc đầu tư vào khoa học công nghệ trong bảo vệ thiên nhiên cần có lộ trình cụ thể, đồng bộ và kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.

Tạo cơ chế hỗ trợ để phát huy hiệu quả

 Cá thể Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis) loài cực kỳ nguy cấp có tên trong Sách Đỏ Việt Nam được bẫy ảnh ghi lại. (Ảnh: TTXVN phát)

Cá thể Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis) loài cực kỳ nguy cấp có tên trong Sách Đỏ Việt Nam được bẫy ảnh ghi lại. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn khoảng cách lớn.

“Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học tài năng và tâm huyết với lĩnh vực môi trường, nhưng việc triển khai nghiên cứu vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế trong tiếp cận nguồn tài chính, dữ liệu môi trường; cơ chế chính sách chưa thực sự hỗ trợ họ phát huy tối đa năng lực,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh nhận xét.

Theo Tiến sỹ Sinh, các dự án nghiên cứu về bảo vệ thiên nhiên thường gặp rào cản về thủ tục hành chính và nguồn vốn hạn chế. Nhà khoa học phải dành nhiều thời gian để xin cấp phép, tìm kiếm nguồn tài trợ và hợp tác với các bên liên quan, thay vì tập trung vào chuyên môn nghiên cứu. Nếu không có cơ chế linh hoạt hơn, khoa học công nghệ sẽ chỉ dừng lại ở các đề tài trên giấy mà không có tính ứng dụng thực tế.

Một rào cản khác là việc thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao nhưng lại không được triển khai rộng rãi vì thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; cần có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp để đảm bảo các nghiên cứu có thể phát huy giá trị thực tiễn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống giám sát môi trường bằng vệ tinh và cảm biến IoT vào bảo tồn thiên nhiên.

Những công nghệ này giúp theo dõi biến đổi khí hậu, giám sát chất lượng môi trường và phát hiện sớm các mối đe dọa như phá rừng, ô nhiễm nước, hay săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống. Những công nghệ trên mới chỉ được áp dụng ở một số dự án thí điểm, chưa được triển khai rộng rãi.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi các tổ chức bảo vệ thiên nhiên chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và tài trợ từ tổ chức phi chính phủ. Nếu không có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp, việc triển khai công nghệ hiện đại sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 57, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng cần xác định rõ đầu tư vào khoa học công nghệ trong bảo vệ thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm với môi trường, mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế xanh và bền vững trong tương lai; có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.

Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ để bảo vệ thiên nhiên hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dot-pha-theo-nghi-quyet-57-go-rao-can-ung-dung-cong-nghe-bao-ve-thien-nhien-post1013726.vnp
Zalo