Bộ KH&ĐT đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể tới từng địa phương, bộ ngành

Qua rà soát và triển khai các quyết nghị, nghị quyết của trung ương, Bộ KH&ĐT đã 'để xuất các địa phương sẽ phấn đấu mục tiêu tăng trưởng phải từ 8% trở lên'.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã chuẩn bị một nghị quyết riêng, xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Nội dung chính của nghị quyết là cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng 8% mà chính phủ giao. Từ đó, giao chỉ tiêu tăng trưởng này một cách cụ thể đến từng địa phương và các bộ ngành ở trung ương.

Qua rà soát và triển khai các quyết nghị, nghị quyết của trung ương, Bộ KH&ĐT đã "để xuất các địa phương sẽ phấn đấu mục tiêu tăng trưởng phải từ 8% trở lên".

“Cần quyết tâm hết sức cao, nỗ lực hết sức lớn và hành động hết sức quyết liệt thì chúng ta mới làm được. Các giải pháp tổng thể, toàn diện ở tất cả các ngành, lĩnh vực được thể hiện ở nghĩ quyết 01 cần phải phấn đấu cao hơn. Đối với mục tiêu tăng trưởng từ 8%, ngoài sự quyết tâm thì mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, mỗi người phải một người làm việc bằng hai”, ông Phương nói.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ tháng 1/2025. (Ảnh: VGP/NB)

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ tháng 1/2025. (Ảnh: VGP/NB)

Thứ nữa, bám sát các chỉ đạo của trung ương, các thể chế pháp luật cũng cần được hoàn thiện. Thể chế cũng là một nguồn lực của phát triển và chúng ta coi đó là đột phá của đột phá. Việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong năm 2025 là một yêu cầu cấp thiết đồng thời phải gắn với việc tháo gỡ các điểm nghẽn đối với các dự án, nhằm sớm khơi thông các nguồn lực mà bấy lâu nay chúng ta đang tắc, chưa đưa vào phục vụ được nền kinh tế.

Động lực về đầu tư cũng là động lực rất quan trọng và tác động ngay lập tức đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công tiếp tục thực hiện tiết kiệm thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không cần thiết nhắm đến mục tiêu tiết kiệm dưới 60%.

Một số dự án điển hình như dự án đường sắt tiêu chuẩn, kết nối đường sắt quốc tế cần được đẩy mạnh.

Đầu tư ở khối doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải có sự sắp sếp để giúp các doanh nghiệp có không gian phát triển, nhằm thúc đẩy đầu tư ở khối này. Đặc biệt là ở các doanh nghiệp đầu đàn, cần có các dự án đủ lớn có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Tiếp tục phát huy đầu tư nước ngoài trong năm 2025. Tiếp tục tháo gỡ về thể chế pháp luật và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa. Tiếp tục đẩy mạnh các dự án luồng xanh, thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được kết hợp với các kế hoạch vĩ mô như việc khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…

Năm 2025, xuất nhập khẩu có thể gặp phải một số khó khăn, thách thức tương đối lớn liên quan đến chính sách thuế, chính sách bảo hộ của Mỹ và có nguy cơ phải đối mặt với những xung đột thương mại diễn ra trên thế giới.

Do đó, chúng ta cần phải phân tích kỹ lưỡng, nắm chắc tình hình để vượt qua những khó khăn này. Trước mắt, cần tận dụng tối đa các hiệp định FTA chúng ta mới ký kết, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới. “Đảm bảo kết nối giữa đầu vào, đầu ra để khơi thông hàng hóa sản xuất trong nước”, ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Đối với tiêu dùng trong nước, tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng trong cả năm 2025 dựa trên sự tăng trưởng tốt ở tháng đầu năm; khuyến khích, tạo điều kiện cho các sự án công nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng; tập trung nhiều các giải pháp nhằm thu hút du lịch, dịch vụ. Nghiên cứu, bổ sung thêm giải pháp thu hút du khách quốc tế thông qua các chính sách như thị thực, visa.

Ngoài ra, thứ trưởng Phương cho biết hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trong bản đổ công nghệ thế giới, đây là một động lực tốt để chúng ta có thể tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Theo ông, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 5 năm tiếp theo thì khoa học - công nghệ đóng vai trò là nguồn lực mới, tiềm năng tạo ra đột phá từ lĩnh vực này là vô cùng lớn.

“Phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Năm 2023 chúng ta đạt được tăng trưởng 7%, tín dụng tăng 14,55%. Năm 2024 chúng ta tăng trưởng 7,09%, với mức tăng trưởng tín dụng là 15,08%.

Cứ 2% tăng trưởng tín dụng thì có được 1% tăng trưởng GDP. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% chúng tôi đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 16%. Và như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tới 10%, có khi cần tăng trưởng tín dụng tới 18 - 20%.

Còn đối với năm 2025, chúng tôi tập chung tìm ra giải pháp làm sao để cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế. Trong điều kiện nguồn vốn trung và dài hạn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu… bất động sản chưa đồng đều thì trách nhiệm đặt lên chính sách tiền tệ là rất nặng nề”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Đối với tỷ giá, ông Tú cho biết NHNN vẫn đang tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để đảm bảo duy trì thị trường ngoại tệ ổn định.

Cơ cấu giãn hoãn nợ cũng sẽ được sử dụng hợp lý, không lạm dụng nhưng vẫn tiếp tục có những chính sách hỗ chợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Đồng thời, các gõi hỗ trợ vẫn sẽ được tích cực triển khai trong năm 2025.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-kh-dt-de-xuat-giao-chi-tieu-tang-truong-cu-the-toi-tung-dia-phuong-bo-nganh-ar924051.html
Zalo