Bỏ hủ tục 'tiền cô dâu' trong đám cưới, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc vẫn tụt dốc

Trung Quốc tổ chức các sự kiện mai mối, đám cưới tập thể hay hạn chế hủ tục 'tiền cô dâu' nhưng vẫn không thể khuyến khích nam thanh niên nông thôn lấy vợ.

Theo dữ liệu được Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố, chỉ có khoảng 6,1 triệu cặp vợ chồng tại nước này kết hôn trong năm 2024, giảm 20,5% so với năm 2023. Đây là con số thấp kỷ lục kể từ khi Bộ này công bố số liệu thống kê vào năm 1986.

Việc nhiều người Trung Quốc không muốn kết hôn và sinh con đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Bắc Kinh, khi nước này phải đối mặt với nhiều áp lực, từ lực lượng lao động thu hẹp, dân số già hóa nhanh chóng, ảnh hưởng đến nền kinh tế đang theo đà phát triển chậm.

Trung Quốc đối diện với tỷ lệ sinh thấp (Nguồn: East Asia Forum)

Trung Quốc đối diện với tỷ lệ sinh thấp (Nguồn: East Asia Forum)

Tỷ lệ kết hôn giảm không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc, xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2013. Tỷ lệ này phục hồi nhẹ vào năm 2023 sau khi chính quyền gỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và tiếp tục sụt giảm trong năm 2024.

Cũng trong năm 2024, tỷ lệ ly hôn tăng nhưng không đáng kể, gần 2,6 triệu cặp vợ chồng chia tay, tăng 28.000 vụ so với năm 2023. Chính quyền Trung Quốc đã quy định “thời gian hạ nhiệt” (hay thời gian hòa giải) 30 ngày đối với các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn. Quy định này vấp phải vô số chỉ trích vì nó khiến người vợ khó từ bỏ cuộc hôn nhân không hạnh phúc hay đầy bạo lực.

Dân số Trung Quốc giảm mạnh 3 năm liên tiếp, dù tỷ lệ sinh tăng nhẹ trong năm qua. Tầng lớp lao động, độ tuổi từ 16 - 59, giảm 6,83 triệu người trong năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ dân số già, tức những người trên 60 tuổi tiếp tục tăng, chiếm 22% tổng dân số.

Dân số Trung Quốc giảm mạnh (Nguồn: Council on Foreign Relations)

Dân số Trung Quốc giảm mạnh (Nguồn: Council on Foreign Relations)

Để tăng tỷ lệ kết hôn và sinh con, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp, từ hỗ trợ tài chính đến tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm khuyến khích giới trẻ kết hôn, sinh con.

Chính quyền thậm chí còn tổ chức các sự kiện mai mối, đám cưới tập thể hay hạn chế hủ tục “tiền cô dâu” tại các vùng quê hẻo lánh, điều khiến các nam thanh niên trong vùng khó lấy vợ. Một số địa phương còn cung cấp kinh phí cho các cặp đôi trẻ tổ chức đám cưới.

Từ năm 2022, Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc khởi động chiến dịch xây dựng "văn hóa hôn nhân và sinh con thời đại mới", kêu gọi hàng chục thành phố thúc đẩy giá trị của việc lập gia đình, khuyến khích người trẻ lập gia đình, sinh con ở độ tuổi phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ Trung Quốc không mặn mà với việc kết hôn do phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thiếu hỗ trợ an sinh xã hội. Điều này khiến họ lo ngại về gánh nặng tài chính và trách nhiệm gia đình, dẫn đến việc trì hoãn kết hôn hoặc thậm chí từ bỏ hoàn toàn.

Cuộc sống đã quá mệt mỏi rồi, làm sao tôi có thể có động lực kết hôn và sinh con?”, một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình được đăng tải trên mạng xã hội Weibo.

Theo chính quyền Trung Quốc và các nhà xã hội học, một phần nguyên nhân của tình trạng hiện tại xuất phát từ chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt kéo dài hàng thập kỷ. Chính sách một con, được thực thi từ cuối những năm 1970 và chỉ chấm dứt vào năm 2015, đã khiến số lượng người trẻ trong độ tuổi kết hôn giảm mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng hiện tại cũng do sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, đặc biệt là ở phụ nữ. Phụ nữ Trung Quốc ngày càng có học vấn cao hơn, độc lập tài chính hơn, không còn bị ràng buộc bởi quan niệm truyền thống về hôn nhân. Đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc cùng áp lực từ vai trò nội trợ. Nhiều phụ nữ không còn xem hôn nhân là lựa chọn hấp dẫn.

Quỳnh Anh (Nguồn: CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-hu-tuc-tien-co-dau-trong-dam-cuoi-ty-le-ket-hon-o-trung-quoc-van-tut-doc-ar925042.html
Zalo