Bộ đội phòng không Trường Sơn trong chiến dịch lịch sử
Bộ đội phòng không Trường Sơn là một trong 4 lực lượng chủ yếu trên tuyến chi viện chiến lược này, thực hiện nhiệm vụ đánh trả máy bay địch bảo vệ tuyến giao thông chiến lược, bảo vệ các kho trạm, đội hình các lực lượng cơ động trên tuyến, đồng thời làm nhiệm vụ chiến đấu chi viện và bảo vệ một số mục tiêu được phân công trong quá trình tham gia các chiến dịch.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, lực lượng phòng không Trường Sơn có Sư đoàn Pháo phòng không 377 (gồm 6 trung đoàn) và 9 trung đoàn pháo phòng không, tên lửa trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn. Ngoài ra, còn có các đơn vị phòng không trực thuộc các sư đoàn bộ binh, công binh, vận tải...
Các trung đoàn cao xạ trực thuộc Bộ tư lệnh được bố trí trên Đường 9 từ Đông Hà đến Bản Đông. Sư đoàn Phòng không 377 được bố trí trên địa bàn rộng lớn từ Bản Đông đến ngã ba Đường 88 (Sê-rê-pốk).

Bộ đội Pháo cao xạ bắn máy bay địch, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu
Sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đầu cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 bằng Chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng phòng không cùng các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn thực hiện “Chiến dịch vận chuyển 19-5”. Nhiệm vụ của lực lượng phòng không được xác định: Tích cực, chủ động nắm chắc địch, có cách đánh tốt, chỉ huy giỏi, bắn rơi nhiều máy bay địch, đối phó có hiệu quả các thủ đoạn đánh phá thường xuyên của địch trên toàn tuyến; sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành, tổ chức bảo vệ hậu phương chiến dịch, bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành...
Khu vực các cửa khẩu là nơi địch thường xuyên sử dụng máy bay cường kích đánh phá. Chúng thường tập trung đánh từ chập tối đến đêm, lúc các đoàn xe của ta xuất phát và rạng sáng lúc xe về căn cứ. Ban ngày, địch dùng máy bay OV-10 trinh sát chỉ điểm cho máy bay F-4 bắn vào các trận địa phòng không của ta. Vì thế, lực lượng phòng không phải chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Ngoài cách đánh tập trung, ta kết hợp phân tán khẩu đội, trung đội đón lõng máy bay địch ở khu vực chúng thường bay qua để tiêu diệt và cảnh báo cho các đoàn xe của ta. Trên mâm pháo luôn bảo đảm chiến đấu theo các phần tử tính sẵn, các pháo thủ còn lại ẩn nấp trong các công sự gắn liền với trận địa. Sáng kiến này vừa ổn định pháo thủ, vừa bảo vệ được lực lượng để chiến đấu lâu dài. Trung đoàn cũng bố trí các khẩu đội pháo 100mm dựa vào vách núi, có công sự vững chắc, ngắm bắn thẳng vào máy bay trinh sát, hạn chế chúng chỉ điểm cho máy bay cường kích đánh phá ban ngày.
Kết hợp chiến đấu và nghi binh, Trung đoàn 227 ở cửa khẩu Đường 12 đã có trận thu hút địch, khiến chúng ném hàng trăm quả bom vào trận địa giả. Các đơn vị phòng không bố trí trụ vững trên 4 cửa khẩu đã góp phần đắc lực bảo vệ an toàn các đoàn xe vượt cửa khẩu đi sâu vào phía trong. Trung đoàn Tên lửa 275 tiến sâu vào rừng núi, cơ động trên cả Đông và Tây Trường Sơn, có mặt trên cả 4 cửa khẩu.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn cùng với lực lượng phòng không chiến dịch đã hình thành lưới lửa phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch trên mọi hướng, ở mọi độ cao và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, bảo vệ đội hình cơ động của các binh đoàn chủ lực tiến vào khu vực tập kết chiến dịch ở Đồng Xoài (Bình Phước). Quá trình tác chiến, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn đã bám sát đội hình các sư đoàn binh chủng hợp thành trên các hướng tiến công, kịp thời chi viện hỏa lực đánh trả không quân địch và bảo vệ đội hình tiến công của các đơn vị binh chủng hợp thành tiêu diệt địch, đánh thẳng vào các mục tiêu đầu não địch ở Sài Gòn-Gia Định. Trong chiến dịch, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 43 máy bay các loại (14 chiếc rơi tại chỗ), trong đó có 4 chiếc trên dọc tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Quá trình chiến đấu, nghệ thuật sử dụng, phát huy sức mạnh của lực lượng Bộ đội phòng không Trường Sơn không ngừng phát triển. Từ quy mô nhỏ từng đại đội đến các tiểu đoàn, trung đoàn, rồi phát triển đến quy mô sư đoàn. Trong suốt quá trình, Bộ đội phòng không Trường Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân trong các chiến dịch vận chuyển quy mô lớn ở các cửa khẩu, thông thạo các hình thức chiến thuật, đánh cả ban ngày và ban đêm, bảo vệ trọng điểm, cơ động phục kích, đánh trong hành tiến, bảo vệ đội hình chiến đấu trong các chiến dịch binh chủng hợp thành, đánh bại các âm mưu thủ đoạn, các hình thức chiến thuật của địch.