Tinh thần 'xẻ dọc Trường Sơn' trên những công trình trọng điểm - Bài 2: Dãi dầu nắng gió miền Trung

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những chiến tích mở đường vượt Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, trục dọc, trục ngang, bắc cầu, bến vượt... trở thành truyền thống của Bộ đội Trường Sơn. Truyền thống ấy đang được Chi bộ Ban Trường Sơn miền Trung phát huy trong xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường cao tốc, cảng biển miền Trung.

Làm đường như “đánh trận”

Trước khi lên đường vào với nắng gió miền Trung, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 chia sẻ với chúng tôi: “Đối với từng công trình, dự án, ngoài việc phân công Đảng ủy viên phụ trách, Thường vụ, Đảng ủy Binh đoàn 12 thường xuyên nắm bắt, lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ mũi nhọn, giao việc trên tinh thần “khoán quản”, kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ”. Điều này được chúng tôi minh chứng rõ nét tại dự án làm đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan và xây dựng bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) do Ban Trường Sơn miền Trung phụ trách.

Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tại công trường trọng điểm quốc gia, thi công tuyến cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, cán bộ, kỹ sư, người lao động Ban Trường Sơn miền Trung, Binh đoàn 12 đứng đầu liên danh, vẫn miệt mài bám đường, thi công trên đoạn tuyến với độ dài 11,5km.

Tại một mũi thi công, công nhân đang sử dụng máy thổi dọn mặt cấp phối để chuẩn bị tưới nhựa. Tiếng động cơ đốt trong rít réo theo điều chỉnh của người thợ khiến từng lớp bụi kế tiếp nhau bay lên, che khuất bóng người. Cách đó không xa, ở phía bên hữu, những chiếc xe tải lắc lư, ì ạch nối đuôi nhau vượt qua đoạn đường nhỏ hẹp.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 trao quà tặng cán bộ, công nhân Ban Điều hành Trường Sơn miền Trung.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 trao quà tặng cán bộ, công nhân Ban Điều hành Trường Sơn miền Trung.

 Công nhân Binh đoàn 12 thi công trên tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Công nhân Binh đoàn 12 thi công trên tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Đại tá Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Ban Trường Sơn miền Trung cho biết: “Trong tương lai gần, tuyến cao tốc dài hơn 11km này hoàn thành, đấu nối với cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ giúp giao thông thuận lợi, thông suốt. Nhưng để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ gồm đường, cầu vượt và hệ thống đường gom hai bên vào ngày 30-8-2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không dễ dàng chút nào”.

Anh Đức vừa nói xong, một trận gió lớn từ phía sau ào tới tạo đám bụi khổng lồ quấn lấy anh rồi di chuyển nhanh lên phía trước. Gió kéo bụi đổ lên mặt đường, lại khiến công tác tưới nhựa bị chậm trễ.

Để tăng sức lãnh đạo cho công trình trọng điểm làm đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12 phân công Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 phụ trách trực tiếp; đồng thời điều động thêm những cán bộ có kinh nghiệm trong tổ chức thi công và các mặt công tác khác cho Ban. Hôm chúng tôi đến công trường thì cũng là lúc Thượng tá Nguyễn Văn Quyết đang là Phó giám đốc Công ty 470 trên Tây Nguyên được tăng cường về làm Trưởng phòng Kế toán, dù chỉ hơn hai năm nữa anh sẽ về nghỉ hưu.

Trước đó, Đại tá Nguyễn Anh Đức đang làm việc trên Tây Nguyên cũng được Đảng ủy Binh đoàn 12 điều động về làm Giám đốc Ban Trường Sơn miền Trung. Sau 23 ngày nhận chức danh Giám đốc, anh ra ăn nghỉ tại công trường, bám đường, bám việc, bám cán bộ kỹ thuật, đảng viên của chi bộ để đốc thúc thi công. Sau 23 ngày, anh Đức sút 2kg, người gầy, sạm hơn.

Làm đường là công việc vô cùng vất vả dù đã được cơ giới hóa rất nhiều. Hiện Binh đoàn 12 đưa vào đây một số lượng xe-máy chuyên dùng lớn để tăng tiến độ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều công việc phải dùng đến nhân lực, như làm sắt, làm cốp pha ở các cầu vượt... Nhìn nước da sạm của các kỹ sư và công nhân phơi mình trên công trường dưới nắng gió miền Trung, chúng tôi cảm nhận được những vất vả, gian khổ trong công việc của các anh.

Mấy tháng qua, đảng viên, kỹ sư Nguyễn Tấn Đạt, Chỉ huy đội thi công cầu vượt liên tục bám công trường cùng công nhân làm việc thông ca. Họ tận dụng thời gian buổi chiều và buổi tối mát mẻ để làm việc đến hơn 20 giờ mới về nghỉ, sáng hôm sau lại ra công trường lúc 5 giờ. Anh Nguyễn Tấn Đạt tâm sự: “Phải tính toán công việc rất chính xác để làm đâu được đó, xong công việc này thì phải có công việc khác tiếp nối liên tục, không để thời gian chết khiến việc thi công chậm trễ”.

Trong lúc mặt đường được phun rải nhựa và chờ đến tối sẽ đổ lớp bê tông nhựa đầu tiên, Đại tá Nguyễn Anh Đức cho biết, một khó khăn mà đơn vị đang gặp phải là mặt bằng thi công chật hẹp, vì vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông. Sau khi thi công xong mặt bên trái, đơn vị sẽ điều chỉnh phương tiện đi vào nền đường mới và đưa máy, phương tiện thi công bên nền cũ.

Hiện nay, Binh đoàn 12 thực hiện quản lý thi công theo tiến độ từng ngày thay vì một tuần hoặc nửa tháng như trước kia. Hằng ngày, sau khi kiểm tra, nghe 7 đội thi công với 10 mũi báo cáo, Đại tá Nguyễn Anh Đức phải có kế hoạch điều động phương tiện, xe-máy cho từng mũi thi công để xe-máy hoạt động tối ưu nhất, nhưng không lâm vào tình trạng chờ việc. Nghe đồng chí giám đốc chia sẻ, chúng tôi mới thấy, công việc của anh chẳng khác nào một sĩ quan chỉ huy đánh trận. Ở từng thời điểm cụ thể, công việc của anh cũng có mũi chính, mũi phụ hoặc là hướng ưu tiên, hướng thứ yếu. Anh điều hành thi công khéo léo để các lực lượng không bị chồng chéo lên nhau. Đây là cách để các anh tối ưu hóa thời gian cho công việc.

“Hoa anh đào” ở Liên Chiểu

Tạm biệt nắng, bụi trên cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, chúng tôi về bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) để chứng kiến tinh thần cống hiến của cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 trong liên danh nhà thầu thực hiện dự án nơi đây, khi lấn biển bằng công nghệ “hoa anh đào”.

Sau gần 20 phút đánh vật với chiếc xe côn tay đi mượn, xóc đến "tê mông, lộn ruột", chúng tôi cũng vượt qua con đường cấp phối lồi lõm đủ dạng hình thù để đến công trình kè và đê chắn sóng của dự án.

Phương tiện được Binh đoàn 12 huy động thực hiện tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Phương tiện được Binh đoàn 12 huy động thực hiện tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Kỹ sư, công nhân thi công tại dự án bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Kỹ sư, công nhân thi công tại dự án bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Trước mặt chúng tôi là kè và đê chắn sóng khổng lồ ở bến cảng Liên Chiểu. Phía sau lưng là chân đèo Hải Vân với những hòn tảng nhẵn bóng do thời gian, gió và sóng biển bào mòn. Kỹ sư Đỗ Sơn Long, thuộc Ban Trường Sơn miền Trung, người có kinh nghiệm hơn 15 năm trong thi công cảng biển, cho biết: “Đây là “con đường” đặc biệt được xây dựng trên nền đáy biển. Nó có tác dụng chắn sóng cho toàn bộ tàu neo đậu trong cảng và những công trình sau khi hoàn thành”.

Đứng từ chân đèo Hải Vân phóng tầm mắt thẳng về phía biển, “con đường” rộng 6,2m, dài hơn 500m nổi lên trên mặt biển thật kỳ vĩ. Anh Long nói với chúng tôi: “Cuối con đường sẽ có một đoạn khóa kè dài 100m kéo về phía trong cảng gọi là “con nhím nhỏ”, còn con đường chúng tôi đang đứng là “con nhím lớn”.

“Con nhím lớn” được kè bằng khối cấu kiện rakuna nặng 25 tấn, có khả năng chống và tiêu được sóng cao tới 6m, “con nhím nhỏ” thì kè bằng rakuna nặng 12 tấn. Những cấu kiện này phải mua ván khuôn độc quyền của Nhật Bản. Toàn đơn vị dưới sự quản lý của Ban Trường Sơn miền Trung đang dốc toàn lực thi công, phấn đấu hoàn thành giai đoạn A của dự án trước ngày 30-8-2025.

Nhìn những khối rakuna nặng 25 tấn chồng lên nhau, cách điệu một chút thì chẳng khác gì những cánh “hoa anh đào” đang tung nở trước sóng biển. Ở phía cuối đoạn kè, cánh tay cẩu khỏe khoắn đang từ từ thả khối rakuna nặng 12 tấn xuống. Ngay lập tức, 3 công nhân đỡ lấy khối rakuna rồi phối hợp lái vào vị trí, chèn cạnh thân đường. Khi cấu kiện đã được xếp ổn định, kỹ sư Nguyễn Văn Thiện cúi thấp người ngó nghiêng xuống đáy khối rakuna. Lát sau anh đứng dậy và giơ cánh tay phải thẳng lên báo hiệu hoàn thành. Dây cẩu được tháo bỏ, cánh tay cẩu lại từ từ di chuyển ra phía ngoài khơi.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thiện chia sẻ: “Trước khi đưa cấu kiện rakuna nặng 25 tấn hoặc 12 tấn vào thì một nhân viên kỹ thuật trắc địa đã dùng máy để đánh dấu tim, cốt. Nhiệm vụ của những công nhân là phải lái cần cẩu di chuyển nó vào đúng vị trí. Lệch một tí cũng không được. Việc lắp đặt cấu kiện rakuna dưới nước rất mất thời gian. Các công nhân phải mang đồ lặn để đưa rakuna vào đúng vị trí đã xác định. Có lần phải loay hoay mấy chục phút mới thành công”.

Quan sát kỹ chúng tôi mới nhận ra, đây là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp rất ăn khớp từ người móc dây, người điều khiển cẩu trên cabin và người chỉ huy. Công việc này đơn vị chỉ làm ban ngày, không thể làm ban đêm, vì nguy cơ mất an toàn rất cao.

Thi công đê, kè chắn sóng là một “mặt trận” mới mà Binh đoàn 12 thực hiện. Chứng kiến những vất vả, khó khăn mà cán bộ, kỹ sư, người lao động thực hiện tại dự án này, chúng tôi nhớ đến những vần thơ trong bài “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”, một lần nữa, những người lính Binh đoàn 12 thời nay lại bắt thiên nhiên phải "khuất phục" để đất nước vươn xa đi lên.

(còn nữa)

Bài và ảnh: THÀNH AN - DUYÊN HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/tinh-than-xe-doc-truong-son-tren-nhung-cong-trinh-trong-diem-bai-2-dai-dau-nang-gio-mien-trung-828812
Zalo