Bộ đội Biên phòng Bình Thuận: Nửa thế kỉ dựng đồn, canh giữ biển

Từ những ngày đầu dựng đồn, giữ biển, đến hôm nay người lính biên phòng Bình Thuận vẫn âm thầm, bền bỉ như cây phong ba chắn gió, chở che cho cuộc sống bình yên.

Ngày 6-5-1975, sáu ngày sau ngày non sông liền một dải, Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định thành lập Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh, tiền thân của Bộ đội Biên phòng Bình Thuận hôm nay. Họ là những người lính âm thầm bảo vệ chủ quyền, gìn giữ bình yên biên giới biển.

Từ mẩu thuốc lá đến xóa sổ trung đoàn Fulro

Đảng ủy CANDVT đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ định ông Trần Văn Lương, Phó trưởng Ty An ninh giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Chính ủy CANDVT tỉnh.

Ngày 7-6-1976, CANDVT Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận) tổ chức lực lượng truy quét Fulro trên núi Chúa.

Trưa ngày thứ 7 của chiến dịch, các trinh sát phát hiện một vỏ đồ hộp giấu trong gốc cây, chưa có mùi hôi, bên trong có ba đầu thuốc lá. Lập tức đơn vị triển khai đội hình truy tìm theo dấu vết, đến 18 giờ cùng ngày, phát hiện 3 Fulro bỏ chạy để lại một khẩu súng ngắn và 1 băng đạn.

Trước tình hình đó, Đảng ủy và Ban chỉ huy CANDVT tỉnh Thuận Hải đã thống nhất chủ trương: "Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động quần chúng bảo vệ trị an và công tác trinh sát ở địa bàn phụ trách".

Sau đó, các trinh sát nhận được nguồn tin: Fulro đang chuẩn bị tập trung lực lượng để tổ chức lễ ra mắt, dự định thời gian tiến hành vào chiều ngày 24-1-1977 ở vùng núi phía Tây huyện An Phước.

 Bộ đội Biên phòng Bình Thuận luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Bộ đội Biên phòng Bình Thuận luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Tại Thuận Hải, Fulro có 1 trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn phân chia khu vực hoạt động tại Du Long, đèo Sông Pha và Bắc Bình do chuẩn tướng Huỳnh Ngọc Sắng chỉ huy.

CANDVT Thuận Hải đã xây dựng phương án đột kích với sự tăng cường của Ty Công an và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

4 giờ sáng ngày 24-1-1977, các lực lượng tham gia chiến đấu đã chiếm lĩnh xong trận địa, đến 2 giờ chiều, từ ba lối mòn, ba hướng khác nhau, một số người lạ lặng lẽ lên núi. Gặp "những người hái củi" bên đường, do lính Fulro cải trang, canh gác đều bị các trinh sát bắt gọn không một tiếng động.

3 tiểu đội vũ trang lập tức triển khai đội hình lên đỉnh núi, trong lúc lễ ra mắt của Fulro vẫn đang tổ chức. 30 sĩ quan Fulro bị bắt sống, thu giữ 20 súng ngắn, 15 quả lựu đạn.

Tuy nhiên, chuẩn tướng Huỳnh Ngọc Sắng không có mặt trong số sĩ quan bị bắt. Mở rộng hiện trường mới phát hiện chỉ huy trung đoàn Fulro đã bí mật buộc dây dù vào một gốc cây, thả xuống vực từ trước để cảnh giác và khi lực lượng truy quét xuất hiện, Huỳnh Ngọc Sắng đã đu dây thoát thân.

 BĐBP hỗ trợ ngư dân trong bão lũ.

BĐBP hỗ trợ ngư dân trong bão lũ.

Vài ngày sau tại bến xe Phan Thiết, chuyến xe cuối cùng trong ngày đi TPHCM chuẩn bị chuyển bánh thì 3 sĩ quan CSGT lên xe kiểm tra giấy tờ. Bốn hành khách thiếu giấy tờ tùy thân phải vào phòng làm việc để giải quyết. Trong bốn hành khách ấy có một ông già râu bạc, tóc trắng và một thanh niên mặc quần áo lính bị giữ lại.

Râu, tóc giả cải trang được lột ra và Huỳnh Ngọc Sắng cùng vệ sĩ của mình thúc thủ. Trung đoàn Fulro Thuận Hải chính thức bị xóa sổ.

Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Ngày 8-9-1995, trung ương chuyển giao BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Từ đây, BĐBP chuyển sang giai đoạn mới là lực lượng vũ trang nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia.

Ngày 1-1-1996, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đổi tên thành Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho đến nay.

 Bộ đội Biên phòng luôn túc trực 24/24 để hỗ trợ bà con ngư dân.

Bộ đội Biên phòng luôn túc trực 24/24 để hỗ trợ bà con ngư dân.

Tròn nửa thế kỷ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong giai đoạn đổi mới, trước yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

 Bộ đội Biên phòng bắt hai người trong đường dây mua bán ma túy.

Bộ đội Biên phòng bắt hai người trong đường dây mua bán ma túy.

Trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới biển, lực lượng Biên phòng tỉnh đã lập được nhiều chiến công nổi bật.

Không còn tiếng súng, nhưng cuộc chiến vẫn chưa dừng. Trên mặt trận chống ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố 724 vụ/831 đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 21kg ma túy tổng hợp, heroin, cần sa…

 Lực lượng Biên phòng kiểm tra trọng lượng của những "gói trà-ma túy" thu được trên biển.

Lực lượng Biên phòng kiểm tra trọng lượng của những "gói trà-ma túy" thu được trên biển.

Lực lượng Biên phòng đã triệt phá thành công 6 chuyên án ma túy, trong đó đã phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Đoàn Đặc nhiệm Miền Trung và các tỉnh, Công an tỉnh đấu tranh thành công chuyên án A723p, thu giữ 5 khẩu súng, 284 viên đạn cùng nhiều công cụ, linh kiện chế tạo súng.

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phát hiện, xử lý gần 1.000 vụ vi phạm trong các lĩnh vực thủy sản, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 Đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Thuận tổng kết, rút kinh nghiệm Chuyên án BT125.

Đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Thuận tổng kết, rút kinh nghiệm Chuyên án BT125.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại các điểm nóng biên giới và trên địa bàn tỉnh.

 "Thầy thuốc quân hàm xanh".

"Thầy thuốc quân hàm xanh".

Hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ đã tình nguyện lên đường tăng cường cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh làm nhiệm vụ chốt chặn biên giới và hàng trăm lượt tham gia phòng, chống dịch tại địa phương.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”; không chỉ là người lính, họ còn là “thầy giáo quân hàm xanh” mang tri thức đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa khó khăn; là “thầy thuốc quân hàm xanh” hết lòng chăm sóc dân nghèo.

Họ là những người sát cánh cùng dân trong lũ lụt, dịch bệnh, sẻ chia từng bữa ăn, từng tấm áo… để nhân dân tin yêu và tựa vào đồn biên phòng như chốn an cư giữa vùng giông bão.

Chương trình “Nâng bước em đến trường – Con nuôi Đồn Biên phòng” đã hỗ trợ hàng trăm học sinh nghèo hiếu học, tiếp thêm động lực để các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến lớp đã lan tỏa với nhiều câu chuyện tử tế, xúc động.

 Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cho bà con ngư dân.

Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cho bà con ngư dân.

Cùng với đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng được duy trì đều đặn...

 Bộ đội Biên phòng luôn có mặt để hỗ trợ, cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển.

Bộ đội Biên phòng luôn có mặt để hỗ trợ, cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển.

50 năm, một chặng đường đủ để một lực lượng tôi luyện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần thép và trái tim nhân hậu. Từ những ngày đầu dựng đồn, giữ biển, đến hôm nay người lính biên phòng vẫn âm thầm, bền bỉ như cây phong ba chắn gió, chở che cho cuộc sống bình yên.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là lòng dân, tình cảm vô giá được vun đắp qua từng mùa biển.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bo-doi-bien-phong-binh-thuan-nua-the-ki-dung-don-canh-giu-bien-post848207.html
Zalo