Bộ Công Thương nói gì về vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa giả?

Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý các sản phẩm liên quan đến vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa giả cho trẻ em, thai phụ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... đã được 2 công ty trên sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.

Bộ Công Thương nói gì về vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa giả. Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương nói gì về vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa giả. Ảnh minh họa.

Thông tin với báo chí về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.

Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý trực tiếp các sản phẩm do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 doanh nghiệp này.

Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng nhận định, việc một số doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng nhưng không bị phát hiện sai phạm trong thời gian dài là do họ thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý nhằm che giấu vi phạm, chỉ lộ ra khi sản phẩm được kiểm nghiệm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này thường tiếp thị trực tiếp qua hội thảo chuyên ngành, bệnh viện, phòng khám và sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, khiến việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-cong-thuong-noi-gi-ve-vu-phat-hien-573-nhan-hieu-sua-gia.673035.html
Zalo