Bộ Công Thương: Chủ động kịch bản ứng phó căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công Thương hôm nay (11-2) cho biết sẽ xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_8_51451812/d6754a287f669638cf77.jpg)
Bộ Công Thương sẽ xây dựng kịch bản ứng phó khi căng thẳng thương mại leo thang. Ảnh: Hoàng Hạnh
Cùng đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, để kịp thời tham mưu phản ứng phù hợp.
Bộ Công Thương cũng chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Việt Nam luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; tận dụng lợi thế sẵn có của Việt Nam để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Về quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trước những diễn biến mới, Bộ Công Thương nhận định, trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ, ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ của Việt Nam.
Tồn tại trong thương mại song phương nếu có, sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường...
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.
Trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng bổ sung thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ các nước, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu, như thực tế ngành nhôm, thép, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Hoa Kỳ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giảm xuống.