Bỏ 'biên chế suốt đời', cán bộ công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do họ có thể mất việc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và hướng tới bỏ 'biên chế suốt đời'.
Sáng 7/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm. Nêu ý kiến hoàn thiện dự án luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quan tâm đến đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vào nhóm này, vì họ cũng là người lao động.
“Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động, nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ. Chính sách việc làm quy định trong dự thảo luật cũng cần quan tâm đến đội ngũ này”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung cán bộ, công chức vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) quan tâm đến quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể, theo dự thảo, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, nhưng vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Tôi cho rằng, đối với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định, nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu”, đại biểu đoàn Bình Dương kiến nghị.
Điểm đáng lưu ý khác về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, trước tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hướng tới bỏ “biên chế suốt đời”, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Do đó, để khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. “Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương.
Lưu tâm đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, khi người lao động mất việc, dù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì người lao động đương nhiên cũng phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng nộp bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ và đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Thảo luận về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.