Bình Thuận: Nơi lưu dấu sử xanh, hành trang quý báu tiến vào kỷ nguyên mới!

Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bình Thuận là một quá trình lâu dài, đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào, hãnh diện. Những truyền thống quý báu được hun đúc, kết tinh qua bao thế hệ là gia sản quý giá để Bình Thuận tiếp tục phát huy, phát triển trong tương lai. Đồng thời với những thành tựu kinh tế - xã hội sau 50 năm, đặc biệt là thành tựu của 33 năm đổi mới là nền tảng vững chắc, là hành trang quý báu để Bình Thuận vững tin tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc!

Một góc thành phố Phan Thiết.

Một góc thành phố Phan Thiết.

Lịch sử hào hùng của một vùng đất lâu đời

Vùng đất Bình Thuận có lịch sử hình thành rất sớm từ thời phong kiến. Trước thế kỷ XVII, nơi đây có tên gọi là Panduranga. Đến năm Đinh Sửu - 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu chinh phục vùng đất này và đặt làm phủ Bình Thuận (chỉ 2 năm nữa thôi, sẽ đến mốc kỷ niệm 330 năm (1697- 2027) thành lập phủ Bình Thuận).

Thời chúa Nguyễn, phủ Bình Thuận ban đầu bao gồm 3 huyện: Hòa Đa, Tuy Phong và An Phước. Dưới thời chúa Nguyễn lúc đó, Bình Thuận trở thành một phần quan trọng trong việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1832, vua Minh Mạng đổi phủ Bình Thuận thành tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ được đặt tại châu thành Phan Thiết.

Thời kỳ Pháp thuộc (1887-1945), năm 1887, thực dân Pháp thiết lập chế độ cai trị tại Việt Nam. Tỉnh Bình Thuận bị giải thể và sáp nhập vào tỉnh Phan Thiết.

Giai đoạn đầu Pháp thuộc.Phan Thiết trở thành một trung tâm hành chính, kinh tế quan trọng của thực dân Pháp.

Không khuất phục sự thống trị hà khắc, bạo tàn của chế độ thực dân Pháp, các phong trào kháng chiến của người dân Bình Thuận đã sớm nổi lên đấu tranh liên tiếp, sôi sục. Trong đó, có nhiều phong trào tiêu biểu như phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Bình Thuận được tái lập. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Thuận là một trong những địa phương tiêu biểu, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, mất nhiều sức người sức của. Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Bình Thuận đã anh dũng chiến đấu, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đưa đến việc ký kết Hiệp ước Giơ- ne- vơ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bình Thuận là một trong những địa bàn trọng điểm. Quân và dân Bình Thuận đã kiên cường bám trụ, chiến đấu, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước từ ngày 30/4/1975.

Sau năm 1975, Bình Thuận bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó (giai đoạn 1975-1986): Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân và xây dựng cơ sở vật chất.

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hơn 300 năm hun đúc, kết tinh nhiều truyền thống quý báu

Hơn 300 năm lịch sử tạo dựng hình thành vùng đất Bình Thuận này, ông cha ta nhiều thế hệ tiếp nối đã hun đúc, kết tinh nhiều truyền thống quý báu, đó là:

Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm: Lịch sử Bình Thuận là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Người dân Bình Thuận luôn nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường chống lại mọi kẻ thù.

Cần cù, sáng tạo trong lao động: Người Bình Thuận nổi tiếng cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã khai khẩn đất đai, xây dựng nên những làng xóm trù phú “Tiền hiền khai cơ; Hậu hiền khai khẩn”. Tạo nên những làng nghề, thương hiệu nổi tiếng một thời, ví dụ như Công ty Nước mắm Liên Thành.

Văn hóa đa dạng, giàu bản sắc: Bình Thuận là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng. Sự giao thoa văn hóa đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú. Các di sản văn hóa như kiến trúc Tháp Chàm, Lễ hội Katê, Lễ hội Nghinh ông, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội Dinh Thầy - Thím… là những đặc sắc, là niềm tự hào của người dân Bình Thuận.

Hiếu học, trọng nghĩa tình: Người Bình Thuận có truyền thống hiếu học, coi trọng việc học hành để nâng cao kiến thức, xây dựng cuộc sống. Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng rất trọng tình, nghĩa khí, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Khát vọng vươn lên: Dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, người Bình Thuận luôn giữ vững khát vọng vươn lên, vốn một thời là “Miền Tỵ địa” đã “chiêu hiền” bao kẻ sĩ, hào kiệt như chí sĩ Nguyễn Thông, Trần Quý Cáp, Trương Gia Mô, gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch... đến đây cùng xây dựng, tạo nên quê hương Bình Thuận ngày càng trù phú, giàu đẹp.

Hành trang quý báu tiến vào kỷ nguyên mới

Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 -19/4/2025), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đã nêu: 50 năm qua, đặc biệt là sau 33 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nay đã phát triển khá toàn diện. Đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh gấp hơn 33 lần so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), đạt hơn 128.000 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 địa phương trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 58,9 triệu đồng, gấp 43,6% so với năm 1992. Bình Thuận đã vươn mình hồi sinh mạnh mẽ với kỳ tích về công tác thủy lợi. Toàn tỉnh có các hệ thống thủy lợi được nối mạng với tổng dung tích các hồ chứa 1.138 triệu m3, cơ bản chủ động được nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Gần đây, Bình Thuận đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp đã trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho kinh tế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy phát điện với các loại hình nhiệt điện, thủy điện, phong điện, quang điện. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW và tổng vốn đầu tư hơn 128.000 tỷ đồng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của quốc gia với tổng công suất nguồn phát điện đến năm 2030 trên 11.000 MW.

Du lịch Bình Thuận đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. Bình quân những năm gần đây, Bình Thuận đón gần 10 triệu lượt khách với doanh thu đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm; nằm trong top 10 địa phương có số lượng du khách, doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Tỉnh đang khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp về truyền thống, văn hóa, lịch sử, con người Bình Thuận để phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch. Tỉnh đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, dự án nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nhìn lại, lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bình Thuận là một quá trình lâu dài, đầy gian khổ nhưng cũng rất đáng tự hào, hãnh diện. Những truyền thống quý báu được hun đúc, kết tinh qua bao thế hệ là gia sản quý giá để Bình Thuận tiếp tục phát huy, phát triển trong tương lai. Đồng thời với những thành tựu kinh tế - xã hội sau 50 năm, đặc biệt là thành tựu của 33 năm đổi mới là nền tảng vững chắc, là hành trang quý báu để Bình Thuận vững tin tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc!

HUỲNH THANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-noi-luu-dau-su-xanh-hanh-trang-quy-bau-tien-vao-ky-nguyen-moi-129802.html
Zalo