Kỷ vật chiến trường 'lên tiếng' sau nửa thế kỷ

Trong hành trang của người lính, có lẽ ngoài những thứ thiết yếu hết sức cơ động, gọn nhẹ thì còn có nhiều kỷ vật mà giá trị tinh thần là không thể đong đếm.

Ý nghĩ đó chợt đến khi chúng tôi được nhìn ngắm số kỷ vật chiến trường vừa tìm được trong hang đá ở xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) của một cựu chiến binh.

 Các kỷ vật bên trong thùng đạn do ông Nguyễn Viết Tuất cất giấu tại hang đá ở xã Ia Kreng. Ảnh: L.N

Các kỷ vật bên trong thùng đạn do ông Nguyễn Viết Tuất cất giấu tại hang đá ở xã Ia Kreng. Ảnh: L.N

Tháng 3-2025, Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Quân đoàn 34) tổ chức khảo sát, tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ trên núi Chư Pa (làng Dip, xã Ia Kreng). Kết quả, đã quy tập được 5 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng nhiều di vật như: tăng võng, vỏ đạn đại liên, hộp tiếp đạn AK, ống thuốc, bát sắt… Đặc biệt, đơn vị tìm thấy 1 thùng đạn được cất giấu trong hang đá, bên trong đựng một số kỷ vật, giấy tờ quan trọng của cựu chiến binh Nguyễn Viết Tuất (SN 1935, quê ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), thời điểm đó là Trung đội phó thuộc Đại đội trợ chiến (Tỉnh đội Gia Lai).

Kỷ vật của người lính

Nửa thế kỷ nằm lặng lẽ kể từ khi thống nhất đất nước, tất cả văn bản trong số kỷ vật nói trên vẫn vẹn nguyên từng nét chữ. Sau khi xác minh thông tin về chủ nhân của thùng đạn và vui mừng biết được ông Tuất hiện vẫn đang sống tại quê nhà, chiều 9-4, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 34) đã cùng đoàn công tác đến tận nơi trao lại kỷ vật. Buổi lễ diễn ra trang trọng, có sự chứng kiến của đại diện cựu chiến binh Mặt trận Tây Nguyên, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ huy Quân sự xã Trọng Quan...

Thượng tá Minh cho hay: Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông Tuất vẫn còn minh mẫn. Người đảng viên có gần 60 năm tuổi Đảng xúc động hồi tưởng về sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ trước kẻ thù. Tuy vui mừng khi được trao tận tay số kỷ vật quý giá của một thuở thanh xuân nơi chiến trường nhưng ông Tuất lại quyết định tặng toàn bộ cho Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên.

 Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh (thứ 2 từ trái sang) trao lại số kỷ vật vừa tìm thấy cho cựu chiến binh Nguyễn Viết Tuất. Ảnh nhân vật cung cấp

Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh (thứ 2 từ trái sang) trao lại số kỷ vật vừa tìm thấy cho cựu chiến binh Nguyễn Viết Tuất. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngoài 1 bộ quần áo, 2 chiếc võng dù, số kỷ vật còn lại trong thùng đạn là một số bức thư chưa kịp gửi và rất nhiều giấy khen, bằng khen ghi nhận thành tích của Trung đội phó Nguyễn Viết Tuất. Đó là giấy khen của Tỉnh đội Gia Lai về thành tích 6 tháng cuối năm 1969 và 7 giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua, giấy khen, bằng khen của thủ trưởng Quân Giải phóng miền Nam.

Cụ thể, năm 1969, ông được tặng 3 giấy khen cho thành tích trong trận chợ Đồn ngày 30-10-1968, trận pháo kích chợ Đồn ngày 13-11-1968 và trận chống càn ngày 29-12-1968. Trong năm 1970 có 2 giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp đại đội; 2 bằng khen về thành tích 6 tháng đầu năm và thành tích trong trận đánh ngày 1-2-1970.

Cùng với việc tặng lại cho Bảo tàng số hiện vật trên, ông Tuất còn tặng thêm nhiều giấy khen, bằng khen của Tỉnh đội Gia Lai-hành trang quý giá sau khi xuất ngũ năm 1976. Đó là sự ghi nhận xứng đáng dành cho người lính quả cảm với các thành tích: hoàn thành nhiệm vụ pháo kích vào Sân bay Tân Tạo đêm 21-3-1969; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, chiến đấu năm 1969; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1973, 1974; 6 tháng cuối năm 1975…

“Đây là bằng chứng về thành tích chiến đấu của bác Tuất trên địa bàn Tây Nguyên, có giá trị tinh thần rất lớn. Vì vậy, Bảo tàng sẽ gửi lại bản phục chế số giấy tờ, bằng khen, giấy khen trên cho gia đình để làm kỷ niệm”-Thượng tá Minh chia sẻ.

 Một số bằng khen, giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng ông Nguyễn Viết Tuất. Ảnh: L.N

Một số bằng khen, giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng ông Nguyễn Viết Tuất. Ảnh: L.N

Chúng tôi không khỏi xúc động khi cầm trên tay những tờ giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen của Quân Giải phóng miền Nam được ông Tuất cất giữ hết sức cẩn thận. Một vài bức thư tay chưa kịp gửi đi cũng đã bày tỏ phần nào tâm tư của người lính. “Cháu Bích Ngọ thân mến! Đã lâu nay, chú không biết được tin gia đình mà từ khi chú xa gia đình đã 5 năm rồi mà chú chỉ bắt được 2 lá thư của gia đình, một là tháng 5 năm 69, một là tháng 7 năm 71…”-ông Tuất viết. Còn đây là những lời động viên trong bức thư gửi anh chị ở quê hương Thái Bình: “Về kinh tế của gia đình ta thu hoạch đã tạm ổn, đời sống ấm no đó là điều mong muốn nhất của em. Còn phần em công tác ở nơi xa vẫn mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao cho”.

Những kỷ vật dẫu nhỏ nhưng lại chứa đựng sức mạnh to lớn, nâng đỡ tâm hồn người lính qua những gian lao và hy sinh thời chiến. Câu chuyện của ông Tuất cũng là câu chuyện chung, phổ quát của cả một thế hệ quên mình vì đất nước. Họ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chỉ với hành trang giản dị là điểm tựa gia đình, là niềm tự hào được góp sức qua từng trận đánh ác liệt và trên hết là niềm tin chiến thắng.

Giáo dục truyền thống lịch sử

Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh cho biết: Tại cuộc gặp mới đây, ông Tuất có kể lại một chi tiết hay nhưng không còn nhớ rõ thời điểm. Hôm đó, ông cùng 5 đồng đội làm công tác thương binh tử sĩ sau trận đánh tại khu vực núi Chư Pa thì bị địch phát hiện và dùng máy bay truy đuổi. 3 người chạy hướng khác thoát được, còn ông và 1 người nữa bị truy đuổi gắt gao. Ông bèn nhanh chóng tìm chỗ nấp và dùng súng AK bắn trả khiến con “chim sắt” bị rơi sau đó.

Thượng tá Minh trao đổi: “Chúng tôi sẽ tìm lại trong các tài liệu về lịch sử Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng vũ trang Gia Lai xem có chi tiết này hay không. Một Trung đội phó được tặng giấy khen, bằng khen liên tục, nếu còn bắn rơi máy bay như lời ông kể thì đúng là có bề dày thành tích, cần đề nghị một hình thức khen thưởng và chế độ tương xứng”.

Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, anh Nguyễn Văn Mạnh-cháu nội ông Tuất, người đang trông nom chăm sóc ông hàng ngày-xác nhận: Anh ít khi nghe ông kể chuyện chiến đấu nhưng trước kia có nghe ông nói về việc từng bắn rơi 1 chiếc máy bay trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, chế độ chính sách dành cho ông luôn đảm bảo; các ngành, địa phương thường xuyên đến thăm, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt với hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngoan cường chiến đấu và nằm lại. Riêng khu vực làng Dip và Doch (sau tách thành Doch 1 và Doch 2, xã Ia Kreng) là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Trong giai đoạn 1968-1973, nhiều hang đá tại đây từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến phục vụ cứu chữa thương binh sau mỗi trận chiến. Thượng tá Minh nhìn nhận: Từ công tác sưu tầm di vật, kỷ vật của cựu chiến binh và liệt sĩ qua các đợt quy tập của Đội Quy tập mộ liệt sĩ, đến nay, Bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày hàng ngàn hiện vật.

“Đây là cơ sở quan trọng để tra cứu thông tin liệt sĩ và thông tin các trận đánh của bộ đội chủ lực trên Mặt trận Tây Nguyên. Những hiện vật này còn góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ”-Giám đốc Bảo tàng nhận định.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-vat-chien-truong-len-tieng-sau-nua-the-ky-post320902.html
Zalo