'Bình mới, rượu cũ' từ đối sách của ông Trump trong chuyến công du Trung Đông
Việc ông Trump có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, với điểm đến là Trung Đông không báo hiệu một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, mà đơn thuần là chiêu bài 'bình mới, rượu cũ' nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu 'làm nước Mỹ vĩ đại trở lại'.
Ngay sau khi trở lại nhiệm sở, ông Trump đã chứng minh rằng khẩu hiệu “America First” không chỉ là lời nói suông. Khẩu hiệu nổi tiếng từng theo chân ông chủ Nhà Trắng tới nhiều sân khấu tranh cử nay đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt các đối sách của Nhà Trắng - đặt lợi ích kinh tế và an ninh nước Mỹ lên trên hết. Thay vì theo đuổi vai trò dẫn dắt các tổ chức khu vực như những người tiền nhiệm, ông Trump, với xuất phát điểm là một doanh nhân, nhìn thế giới như một bàn cờ thương mại khổng lồ, nơi các mối quan hệ song, đa phương đều là những cuộc giao dịch.
Ví dụ rõ nét là việc Washington gây sức ép yêu cầu các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, cảnh báo rằng Mỹ sẽ không tiếp tục bảo trợ an ninh cho châu Âu nếu các nước này không tự chi trả phần mình. Nhiệm kỳ mới của ông Trump cũng ưu tiên nhiều hơn cho phát triển kinh tế nội địa.

Saudi Arabia trải thảm tím đón ông Trump từ cửa chuyên cơ Không lực Một. Ảnh: Reuters
Dấu hiệu thay đổi?
Xuất hiện trong chuyến công du Trung Đông mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang mang đến một hình ảnh khác hẳn so với ngày đầu nhậm chức. Không còn kiên quyết rút lui khỏi các vai trò khu vực, ở mỗi điểm dừng chân Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, ông chủ Nhà Trắng đều tỏ ra cởi mở hơn với mỗi cơ hội ngoại giao, đưa Washington trở lại trung tâm trong các điểm nóng toàn cầu.
Chỉ trong vỏn vẹn bốn ngày, ông Trump không những dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm đối với Syria, mà còn trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong vòng 25 năm trực tiếp gặp gỡ một lãnh đạo Syria. Theo hai nhà báo Jeff Zeleny và Betsy Klein của CNN, đó là một bước đi không ăn nhập với nền tảng tư tưởng “Make America Great Again – MAGA” cũng như với quan điểm của nhiều đồng minh Cộng hòa trung thành với ông Trump. Dù được tổ chức kín đáo, cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa có thể sẽ được ghi nhớ như một trong những khoảnh khắc chính trị nổi bật nhất trong chuyến công du lần này.
Giới quan sát cho rằng, ông Trump đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt của Mỹ trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Ông Trump cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran có thể “rẽ sang hướng bạo lực” nếu Tehran không phản hồi tích cực với các tiếp xúc mà ông mô tả là “thân thiện” từ phía Mỹ. Về phía Nga, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng Tổng thống Putin sẽ chỉ nghiêm túc bước vào tiến trình đàm phán hòa bình nếu đích thân ông Trump trực tiếp tham gia. Và ông Trump cũng không ngần ngại nói về một kế hoạch đầy tham vọng: thiết lập một “khu vực tự do” do Mỹ bảo trợ tại Gaza.
“Ưu tiên của tôi là chấm dứt xung đột, chứ không phải khơi mào chúng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ do dự sử dụng sức mạnh của nước Mỹ, nếu điều đó là cần thiết để bảo vệ chính chúng ta hoặc những đối tác của chúng ta”, Tổng thống Trump phát biểu trước binh sĩ Mỹ tại Căn cứ Không quân Al Udeid ngày 15/5.
Dù khó có thể nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã thay đổi một cách toàn diện, song một số khoảnh khắc trong hành trình này đã phản ánh một thái độ khác hẳn của ông so với nhiệm kỳ đầu. Người từng đưa ra một sắc lệnh gây tranh cãi cấm công dân từ bảy quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ hồi năm 2017, nay đứng giữa Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed Grand tại Abu Dhabi trong chuyến công du đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Người từng công khai lên án Qatar vì liên hệ với các nhóm cực đoan, tuần này lại trực tiếp tới thăm quốc gia Trung Đông này và gặp gỡ Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Và đặc biệt, cái bắt tay với Thái tử Mohammed bin Salman dường như cũng cho thấy sự đổi khác hoàn toàn trong cách Mỹ nhìn nhận Saudi Arabia.

Ông Trump bắt tay Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters
Thái tử Mohammed bin Salman từng bị cộng đồng tình báo Mỹ xác định có liên đới trực tiếp đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post tại Istanbul vào năm 2018. Khi cựu Tổng thống Joe Biden gặp vị Thái tử này sau vụ việc, mọi cử chỉ ngoại giao của nhà lãnh đạo Mỹ đều bị theo dõi sát sao, đặc biệt xoay quanh việc liệu ông Biden có bắt tay ông bin Salman hay không. Cuối cùng, ông Biden chọn một cú chạm tay (fist bump) nhưng ngay cả cử chỉ ấy cũng bị nhiều đảng viên Dân chủ chỉ trích là quá mức thân thiện đối với một nhân vật đang dính cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Đáng chú ý hơn cả là việc một nhân vật Dân chủ kỳ cựu, đã công khai ghi nhận những thành tựu ngoại giao của ông. Dân biểu Jim Himes, thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện, phát biểu trong một cuộc trò chuyện với POLITICO ngày 18/5 rằng: “Tôi không có thói quen khen ngợi ông Trump, nhưng tôi phải thừa nhận: cách ông ấy xử lý chuyến đi này và cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria thực sự đáng ghi nhận”.
Bình mới, rượu cũ
Xuyên suốt chuyến đi, vấn đề nhân quyền thường xuyên xuất hiện trong các bài phát biểu của các Tổng thống Mỹ lại bất ngờ vắng mặt. Chủ đề này không được nêu ra trước chuyến đi và cũng không xuất hiện trong bất kỳ thông điệp nào sau đó. Thay vào đó, ông Trump dành nhiều lời khen ngợi cho các lãnh đạo sở tại và tập trung vào các khả năng phát triển quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực.
Từ Riyadh đến Doha, Tổng thống Mỹ liên tiếp đạt được các cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ AI, cơ sở hạ tầng năng lượng và hàng không dân dụng, tất cả đều mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế Mỹ. Việc Qatar cam kết mở rộng hợp đồng mua máy bay Boeing, hay Saudi Arabia đầu tư mạnh vào các trung tâm dữ liệu do Mỹ cung cấp, không chỉ tạo ra việc làm trong nước mà còn củng cố vai trò dẫn dắt của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Với Gaza, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nhắc đến mong muốn tham gia tái thiết khu vực này hậu xung đột. Phát biểu tại bàn tròn với giới doanh nghiệp ở Doha ngày 15/5, ông nhấn mạnh: “Tôi có một vài ý tưởng rất hay cho Gaza. Biến nơi đó thành một vùng đất tự do thực sự, với sự hiện diện của Mỹ, một nơi mà con người có thể sống và làm ăn trong hòa bình. Tuyên bố này được cho là tiếp nối những phát ngôn đáng chú ý từ tháng 2/2025, khi Tổng thống Trump coi Gaza như “Riviera” của Trung Đông” - một khu bất động sản chiến lược mà theo lời ông, Mỹ có thể “phát triển nó từ từ, chậm rãi và không vội vã”.
Những “chiến thắng” mà Tổng thống Mỹ mang về từ Trung Đông đã chứng minh rằng chính sách “America First” không đồng nghĩa với cô lập, mà là tận dụng tối đa vị thế của Washington để gặt hái lợi ích thiết thực về mặt kinh tế. Với ông Trump, mục đích “làm cho nước Mỹ vĩ đại” thông qua các cuộc trao đổi thương mại vẫn vẹn nguyên như ngày đầu, chỉ khác ở cách tiếp cận. Có chăng, đó chỉ là “bình cũ rượu mới” trong một thế giới đang chuyển mình nhanh chóng, nơi nước Mỹ không thể chỉ đứng yên sau hàng rào biên giới nếu muốn khôi phục thời kỳ hoàng kim của mình.