Gaza rơi vào tình trạng vô vọng nhất sau 19 tháng xung đột
Người dân ở Dải Gaza cho biết dải đất này rơi vào tình trạng khó khăn nhất trong suốt 19 tháng xung đột Israel-Hamas, khi lương thực thiếu thốn, tình trạng an ninh tê liệt và hệ thống y tế quá tải.
Khi Israel phong tỏa Dải Gaza vào đầu tháng 3, cấm nhập mọi hàng viện trợ và hàng hóa khác vào dải đất, ông Fady Abed – nha sĩ làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận y tế MedGlobal tại Gaza – nghĩ rằng lệnh phong tỏa chỉ kéo dài được vài tuần.
Đến hiện tại, ông Abed vẫn chưa chấp nhận được sự thật rằng lệnh phong tỏa vẫn còn được duy trì.
Tại TP Gaza nơi ông Abed sống, các bếp ăn cộng đồng đóng cửa vì họ không còn gì để nấu. Mỗi ngày, các phòng khám do tổ chức MedGlobal điều hành đều có thêm nhiều trẻ em suy dinh dưỡng đến thăm khám. Ông Abed mô tả những đứa trẻ này chỉ còn "da bọc xương".

Lều của người dân tại trại tị nạn Jabalia (phía bắc Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Vào ban đêm, một nhóm gồm những người đói khổ và những tên côn đồ lang thang trên phố để tìm nơi cướp bóc. Trong bối cảnh không có chính quyền điều hành, nhiều người dân đã tự trang bị vũ khí để truy đuổi và đánh những người bị nghi là trộm. Tình trạng này làm ông Abed lo lắng vì ông cũng có một túi bột mì trong nhà.
"Mọi thứ không thể tiếp tục như thế này được. Chúng tôi sẽ không thể sống được" – ông Abed nói.
Lệnh phong tỏa kéo dài
Kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa – hiện là lệnh phong tỏa kéo dài nhất kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào năm 2023, Dải Gaza đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người dân và nhân viên cứu trợ cho biết họ đã chứng kiến sự sụp đổ của trật tự an ninh, sau khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 tháng bị phá vỡ.
"Tôi đã làm công việc này trong hai thập niên và tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy" – bà Claire Manera, một điều phối viên khẩn cấp của tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ không biên giới, cho biết.
Bà Manera hiện ở Deir al-Balah (miền trung Gaza). Vào ban đêm, bà Manera nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng người la hét bên ngoài khu nhà của mình.
Tình trạng hỗn loạn vào ban đêm khiến nhiều người dân Gaza ở trong nhà sau khi mặt trời lặn, vì họ sợ bị cuốn vào các cuộc đụng độ giữa các băng đảng đối lập hoặc bị buộc tội trộm cắp.
Hậu quả của cuộc chiến ở Gaza là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết dân số hơn 2 triệu người ở Gaza phải sơ tán ít nhất một lần với hơn 52.000 người thiệt mạng. Nhiều vùng rộng lớn của vùng đất này đã bị biến thành đống đổ nát, chứng kiến tình trạng thiếu thuốc men và nhu yếu phẩm hàng ngày.
Israel bảo vệ quan điểm về việc cần thiết duy trì lệnh phong tỏa ở Gaza. Phía Israel cho rằng Hamas dùng hàng viện trợ để hỗ trợ các hoạt động của nhóm và rằng cần phải gây áp lực để thuyết phục Hamas thả các con tin họ còn giữ.
Vào ngày 5-5, Israel đã phê duyệt các kế hoạch tăng cường chiến dịch quân sự ở Gaza, gây áp lực lên Hamas để cứu những con tin còn lại. Các quan chức Israel cho biết họ có kế hoạch chiếm giữ một số khu vực của Dải Gaza và sẽ cho người ở lại đó.
Israel cũng có kế hoạch di dời người dân Gaza về phía nam dải đất và thiết lập các trung tâm giám sát việc phân phối viện trợ với sự hỗ trợ của Mỹ. Liên Hợp Quốc và khoảng 200 nhóm cứu trợ cho biết họ sẽ không tham gia vào kế hoạch nhân đạo theo hình thức hiện tại vì nó vi phạm nguyên tắc hoạt động của họ.

Trẻ em chờ nhận thực phẩm cứu trợ ở Khan Younis (phía nam Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Thời điểm vô vọng nhất
Trong khi đó, tình hình tại Gaza đang ngày càng tồi tệ hơn. Người dân cho biết họ cảm thấy đây là thời điểm vô vọng nhất trong 19 tháng xung đột.
Những bức ảnh và video do người dân Gaza chia sẻ cho thấy những khu chợ tạm bợ với lượng dự trữ thực phẩm đóng hộp, túi mì ống và rau củ đang cạn kiệt. Bà Sally Kali - một người dân sống tại Gaza - cho biết bột mì rất khan hiếm và lượng bột mì còn lại thường bị côn trùng xâm nhập.
"Nhiều người nghiền mì ống và nướng thành bánh mì. Xét đến những lựa chọn hiện tại, món ăn này rất ngon” – bà Kali nói.
Khi Israel tiếp tục ban hành lệnh phong tỏa, một số nhà hàng và cửa hàng mở cửa trở lại trong thời gian ngừng bắn đã phải đóng cửa. Ngày 7-5, tổ chức từ thiện World Central Kitchen cho biết đã ngừng phục vụ bữa ăn và nướng bánh mì cho người dân Gaza sau khi hết nguồn cung cấp. Nhiều hộ gia đình bắt đầu cắt giảm khẩu phần ăn và cuối cùng là bỏ hẳn bữa ăn. Nhiều người chỉ ăn 1 bữa/ngày.
Giữa lúc đó, các cuộc chiến giành thức ăn và nước uống gia tăng. Một số nhân viên cứu trợ cho biết họ đã chứng kiến các cuộc đụng độ tại các điểm phân phối, đặc biệt là xung quanh những chiếc xe tải chở nước sạch đến các trung tâm dân cư.
Tình trạng thiếu nhiên liệu khiến các xe tải hạn chế di chuyển, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước sạch và khủng hoảng điều kiện vệ sinh.
"Chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Chúng ta có thể tiếp tục cung cấp nước và giảm các hoạt động y tế, hoặc chúng ta có thể mở cửa bệnh viện và ngừng cung cấp nước" – bà Manera nói.
Tuy nhiên, dù có mở cửa, các cơ sở y tế của Gaza cũng đã quá tải. Sau 2 tháng bị bao vây, các nhân viên y tế tuyến đầu cho biết ngày càng có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Cùng lúc đó, người bị thương do xung đột ngày càng tăng. Bệnh nhân vẫn được đưa đến, nhưng nguồn lực như thực phẩm, thuốc men lại không được bổ sung.
Lúc này, người dân Gaza bày tỏ sự tức giận với Israel, nhưng một số người trong số họ cũng cảm thấy thất vọng và tham gia các cuộc biểu tình phản đối Hamas vì nhóm này tiếp tục cuộc giao tranh.

Trẻ em tại khu vực đổ nát do xung đột tại thành phố Gaza (bắc Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Anh Ahmad Masri là người dân sống ở bắc Gaza. Anh cho biết điều kiện sống tồi tệ hơn bao giờ hết. "Không có thức ăn, không có nước sạch, thậm chí không có cả một phòng tắm tử tế. Mọi người đang mong muốn có bột mì. Chúng tôi đã quên mất thịt có vị như thế nào" – ông nói.