Đức Giáo hoàng Leo XIV chính thức nhậm chức, hàng vạn tín hữu đổ về Quảng trường Thánh Peter
Ngay sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Leo XIV đã vạch ra một số định hướng chủ đạo cho triều đại giáo hoàng của mình.
Hàng chục ngàn tín hữu, du khách và lãnh đạo thế giới đã tề tựu tại Quảng trường Thánh Peter để chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Leo XIV, vị giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Trong không khí trang nghiêm đan xen phấn khích, Đức Leo tiến qua quảng trường trên chiếc xe giáo hoàng mui trần, vẫy tay chào đám đông reo hò không ngớt.
Tiếng chuông ngân vang từ Vương cung Thánh đường Thánh Peter như báo hiệu một chương mới cho Tòa Thánh Vatican. Hình ảnh Đức Leo — một nhà truyền giáo dòng Augustinô 69 tuổi, sinh ra ở Chicago và mang hai quốc tịch Hoa Kỳ - Peru — xuất hiện từ phía sau chiếc xe giáo hoàng, tay giơ cao vẫy chào, đã trở thành biểu tượng sống động của sự chuyển mình trong lòng Giáo hội. Những tiếng hô “Viva il Papa” vang lên không ngớt, hòa cùng làn sóng cờ các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, Peru và Vatican.

Giáo hoàng Leo XIV lần đầu tiên đi xe giáo hoàng qua Quảng trường Thánh Peter (Ảnh: Alex Ellinghausen).
Không chỉ là nghi lễ tôn giáo, sự kiện này còn thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế. Các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Peru Dina Boluarte, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và đại diện Nga, Bộ trưởng Văn hóa Olga Liubimova đều hiện diện. Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance, người từng có cuộc gặp cuối cùng với cố Giáo hoàng Francis trước khi ngài qua đời, dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự. Tháp tùng ông còn có Ngoại trưởng Marco Rubio, người có mặt tại Rome từ sớm để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
An ninh được siết chặt ở mức cao nhất, tương đương lễ tang Đức Phanxicô hồi tháng trước. Lực lượng bảo vệ dân sự mặc đồng phục phản quang hướng dẫn dòng người hành hương vào khu vực quảng trường. Các linh mục tất bật di chuyển vào bên trong nhà thờ để chuẩn bị cho Thánh lễ, trong khi màn hình lớn và tiện ích công cộng tạm thời được bố trí quanh khu vực nhằm phục vụ lượng người tham dự dự kiến lên đến 250.000 người.
Lễ nhậm chức của Đức Leo không phải là lễ đăng quang truyền thống với vương miện giáo hoàng, mà được tổ chức như một Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Phêrô – dấu mốc thiêng liêng khẳng định vai trò của Đức Giáo hoàng như vị mục tử tối cao của Giáo hội Công giáo. Trước khi bước vào Thánh lễ, ngài đã cầu nguyện tại lăng mộ Thánh Peter dưới bàn thờ chính — hành động mang ý nghĩa sâu sắc về sự kế thừa thiêng liêng.

Giáo hoàng Leo XIV trong lễ nhậm chức (Ảnh: Getty).
Trong nghi lễ trọng thể, Đức Leo nhận hai biểu tượng quyền lực: dây pallium bằng lông cừu và chiếc nhẫn của ngư dân. Dây pallium tượng trưng cho trách nhiệm mục tử, trong khi nhẫn ngư dân là dấu hiệu quyền bính tối thượng của Giáo hoàng và sự tiếp nối sứ mạng tông đồ mà Chúa Giêsu giao phó cho Thánh Phêrô.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong buổi lễ là nghi thức vâng phục — nơi đại diện của các hồng y, giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân và người trẻ lần lượt bày tỏ lòng trung thành với tân Giáo hoàng. Nghi thức này phản ánh sự bao trùm và hiện đại trong tầm nhìn mục vụ của Giáo hội hôm nay.
Bên ngoài Quảng trường, tín hữu từ khắp nơi không giấu được niềm xúc động. Ethan Menning, một chủng sinh 21 tuổi từ Nebraska, quấn trên mình lá cờ Mỹ, chia sẻ: "Thật không thể tin được khi một người như chúng tôi giờ ngồi trên ngai tòa của Thánh Phêrô. Điều đó khiến hình ảnh Chúa Giêsu dường như gần gũi hơn bao giờ hết". Một người hành hương khác, Kalen Hill, cho biết: "Lần đầu tiên tôi cảm thấy người Công giáo Mỹ được gắn bó sâu sắc với Giáo hội hoàn vũ đến vậy".

Khách mời và người Công giáo tụ họp tham dự thánh lễ (Ảnh: Getty).
Ngay sau khi nhậm chức, Đức Leo XIV đã vạch ra một số định hướng chủ đạo cho triều đại giáo hoàng của mình. Trong tuyên bố đối ngoại đầu tiên, ngài nhấn mạnh ba trụ cột của Tòa thánh: hòa bình, công lý và sự thật. Ngài cam kết nỗ lực tìm giải pháp cho các xung đột ở Ukraine, Gaza và những nơi đang chìm trong bạo lực. Đồng thời, trong bài phát biểu kinh tế, ngài kêu gọi áp dụng học thuyết xã hội Công giáo để đối phó với bất công và nghèo đói toàn cầu.

Giáo hoàng Leo XIV vẫy tay chào khi đến trước Thánh lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter (Ảnh: Getty)
Một điểm đáng lưu ý khác là tầm nhìn của Đức Leo về công nghệ. Ngài đã nêu bật mối quan ngại sâu sắc về những thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra đối với phẩm giá con người — vấn đề mà ngài cho rằng có sức phá hủy tương tự như các hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ XIX, giai đoạn mà Giáo hoàng Leo XIII, người tiền nhiệm cùng tên của ngài, đã từng đối mặt.
Sau Thánh lễ, Đức Giáo hoàng Leo XIV dự kiến sẽ gặp gỡ và tiếp đón hơn 150 phái đoàn quốc tế. Tại đây, ngài sẽ thể hiện vai trò trung gian ngoại giao — một trong những truyền thống lâu đời và hiệu quả nhất của Vatican trong bối cảnh thế giới hiện đại đầy biến động.
Triều đại giáo hoàng của Leo XIV đã chính thức bắt đầu, mang theo nhiều kỳ vọng và tín hiệu đổi mới. Lịch sử đã sang trang với hình ảnh một vị giáo hoàng Mỹ — dung dị, nhút nhát nhưng cương quyết — bế một em bé và vẫy tay chào thế giới từ Quảng trường Thánh Peter.

Giáo hoàng Leo XIV bế một em bé khi ông đến (Ảnh: Getty).