Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài

Sau TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, khi dòng vốn FDI đổ về ngày càng cao ngay trong những tháng đầu của năm 2025.

Khu công nghiệp Vsip 1 Bình Dương. Ảnh: Sơn Nam

Khu công nghiệp Vsip 1 Bình Dương. Ảnh: Sơn Nam

Bình Dương đầu năm khởi sắc

Hiện Bình Dương đang là địa phương đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP. Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm 2025 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã trao chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn gần 1 tỷ USD. Các dự án này trải rộng ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, logistics và bất động sản công nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế cạnh tranh của Bình Dương trên bản đồ đầu tư quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút FDI nhờ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và môi trường kinh doanh thuận lợi. Với việc đẩy mạnh chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao, Bình Dương đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất thông minh, công nghệ xanh và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực thực hiện biện pháp cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giúp môi trường đầu tư tại địa phương ngày càng thông thoáng và thuận lợi hơn.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, ngoài tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh,… phát triển hệ thống các khu công nghiệp luôn được địa phương dành nhiều nguồn lực để thực hiện.

Tỉnh Bình Dương đã quy hoạch gần 20.000 ha đất công nghiệp để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương,... sẽ tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Bình Dương, thu hút mạnh đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.

Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh.

Tại buổi trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Bình Dương, Chủ tịch Tập đoàn Manwah (Hong Kong, Trung Quốc) Wong Man Li chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương là rất ấn tượng và đây là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn. Tập đoàn Manwah dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 50 triệu USD để xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất tại địa phương.

Tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, với việc áp dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, tuần hoàn nước, quản lý vận hành theo Trung tâm Điều hành thông minh.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới là tiền đề quan trọng để Bình Dương thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

Đồng Nai - nhiều tín hiệu tích cực

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh với tổng vốn đầu tư vào các dự án gần 738 triệu USD; trong đó 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn gần 243 triệu USD.

Tỉnh Đồng Nai đặt ra kế hoạch thu hút FDI khoảng 1,1 tỷ USD trong năm nay, tương đương năm 2024. Tuy nhiên, mới hơn một tháng của năm, tỉnh đã thu hút vốn FDI được gần 690 triệu USD, đạt gần 63% kế hoạch năm; trong đó có 10 dự án mới và 16 dự án tăng vốn. Các dự án FDI thu hút được hầu hết vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đều đáp ứng yêu cầu ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, công nghệ cao.

Thực tế, các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn đều cho biết, sẽ triển khai nhanh việc xây dựng nhà xưởng, sớm đưa vào hoạt động. Hiện, việc đầu tư xây dựng nhà máy khá nhanh, có những nhà xưởng doanh nghiệp chỉ thi công trong 6 - 18 tháng đã hoàn thành, có thể tiến hành sản xuất.

Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai. Ảnh: TL

Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai. Ảnh: TL

Tỉnh Đồng Nai đang chạy đua trong việc hoàn thành 4 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2024, để có đất công nghiệp cho doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy. Khi 4 khu công nghiệp mới này đi vào hoạt động, tỉnh sẽ có thêm hơn 2.500 ha đất để mời gọi nhà đầu tư, trong đó có các khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp, Phước Bình 2, Long Đức 3 (huyện Long Thành) và khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp FDI vào tỉnh triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, bất động sản,... Tỉnh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng sẽ tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp, qua đó có những hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp. Tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài để thu hút đầu tư vào trong và ngoài khu công nghiệp.

Với tín hiệu khả quan trong thời gian đầu năm 2025, thu hút đầu tư FDI của tỉnh Đồng Nai năm nay dự tính sẽ về đích sớm và khả năng sẽ vượt xa so với kế hoạch năm; bởi thực tế, địa phương đang có nhiều tiềm năng, lợi thế mà doanh nghiệp FDI cần.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-duong-va-dong-nai-tiep-tuc-la-diem-den-hap-dan-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-170667.html
Zalo