Bình Dương cam kết hướng tới một chính quyền số minh bạch
Trong cuộc họp tổng kết chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của cả nước, Chỉ số chuyển đổi số năm 2023 (DTI) của Bình Dương tăng 12 bậc so với năm 2022, lần đầu tiên vào Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số DTI. Bình Dương vinh dự dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố cả nước về dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ giải quyết đúng hạn 98,01%...
Hoàn thành 17/18 nhiệm vụ
Năm 2024, tỉnh Bình Dương luôn bám sát vào sự chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS và sự hướng dẫn, phối hợp của các bộ, ngành trung ương. Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt công tác CĐS trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/f17f526769298077d938.jpg)
Các tình nguyện viên Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ người dân, DN CĐS, nộp hồ sơ trực tuyến
Bình Dương đã hoàn thành 17/18 nhiệm vụ theo kế hoạch Đề án 06, đồng thời đẩy mạnh hoàn thiện các nhóm vấn đề pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an toàn thông tin và nguồn nhân lực. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch 1.028.354 trường hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia; tiếp nhận 1.368 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng VNeID; triển khai làm sạch dữ liệu đất đai và cung cấp thông tin dữ liệu đất đai, góp phần giảm tải thủ tục hành chính (TTHC), mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, đi lại cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, vận hành chính quyền số. Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã kết nối liên thông với các hệ thống quốc gia, bảo đảm dữ liệu thời gian thực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bình Dương đã tích hợp hoàn toàn với cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt mức 79%, số hóa đạt 99,4% hồ sơ TTHC.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/f57c4e64752a9c74c53b.jpg)
Nhiều cách làm hay của Bình Dương tại cơ sở được trung ương đánh giá cao, nhất là hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục tại nơi ở
Kích hoạt 1,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2
Báo cáo cho thấy, toàn tỉnh có hơn 50.000 DN đang sử dụng các nền tảng số. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 600 DN tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% cơ sở y tế, giáo dục và các chợ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/9b4a26521d1cf442ad0d.jpg)
Người dân luôn được tư vấn, hỗ trợ trong giải quyết hồ sơ trực tuyến và nhận ngay kết quả tại chỗ
Trong lĩnh vực xã hội số, tỉnh đã cấp hơn 2,39 triệu căn cước gắn chip, kích hoạt 1,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 và đã liên thông với dữ liệu về bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, hộ tịch, sổ sức khỏe điện tử…; từ đó đã hỗ trợ các tiện ích số hóa cho người dân.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/5b62ee7ad5343c6a6525.jpg)
Người dân vùng xa của tỉnh được hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và nộp hồ sơ trực tuyến
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2025, Bình Dương xác định tiếp tục phát triển hạ tầng số, ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số trong quản lý điều hành. Tỉnh sẽ mở rộng triển khai Đề án 06, tích hợp dữ liệu toàn diện giữa các hệ thống địa phương và quốc gia, hoàn thiện hệ sinh thái số, hỗ trợ người dân và DN tiếp cận các dịch vụ số tiện lợi, an toàn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/7a2fb237897960273968.jpg)
Công tác giải quyết thủ tục cho nhân dân được các cấp chính quyền tích cực quan tâm
Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới là hoàn thiện và mở rộng nền tảng dữ liệu, nâng cao khả năng chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành và DN, đặc biệt là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia trong khuôn khổ Đề án 06. Song song đó, tỉnh thúc đẩy xây dựng Nền tảng quản lý Dữ liệu lớn (Big Data) và mở rộng các ứng dụng phân tích dữ liệu phục vụ quản lý điều hành, tăng cường kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu của Đề án 06.
Tỉnh sẽ triển khai mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ các lĩnh vực, hướng đến nền kinh tế số toàn diện, bảo đảm tích hợp với hệ thống định danh điện tử VNeID để nâng cao tính bảo mật và thuận tiện cho người dân. Tỉnh mở rộng hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng, nâng cao năng lực bảo vệ an toàn thông tin, bảo đảm hệ thống CĐS hoạt động ổn định, an toàn, đặc biệt đối với các hệ thống dữ liệu quan trọng trong Đề án 06.
Tỉnh tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức và DN trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hiểu biết và triển khai hiệu quả các nội dung Đề án 06; tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho người lao động trong các DN công nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong công việc…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_413_51438716/553d9825a36b4a35137a.jpg)
Năm 2025, lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm mô hình thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp để phục vụ TTHC phi địa giới hiệu quả
Tỉnh sẽ thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng, tăng cường hợp tác với các tỉnh trong vùng để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực và hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và công nghiệp công nghệ thông tin trong toàn vùng; mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung...
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của DN và người dân, Bình Dương cam kết tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hướng tới một chính quyền số minh bạch, một nền kinh tế số phát triển và một xã hội số văn minh, hiện đại.