Chỉ số chuyển đổi số Bình Dương lần đầu tiên vào Top 10 cả nước

Chỉ số chuyển đổi số năm 2023 (Chỉ số DTI) của Bình Dương tăng 12 bậc so với năm 2022, lần đầu tiên vào Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước.

Chỉ số chuyển đổi số Bình Dương lần đầu tiên vào Top 10 cả nước. (Ảnh minh họa)

Chỉ số chuyển đổi số Bình Dương lần đầu tiên vào Top 10 cả nước. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chỉ số DTI của Bình Dương đạt 0,7411 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố cả nước. Ở 3 trụ cột chính: Chính quyền số Bình Dương xếp hạng thứ 7; Kinh tế số xếp hạng thứ 31 và Xã hội số xếp hạng thứ 11. Theo bảng xếp hạng, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2023 với giá trị 0,8340, tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, giá trị chỉ số của cả 3 trụ cột chuyển đổi số cấp tỉnh đều có sự tăng trưởng: Chỉ số Chính quyền số có giá trị 0,7240, tăng trưởng 11,9%; Chỉ số Kinh tế số có giá trị 0,6817, tăng trưởng 6,6%; Chỉ số Xã hội số có giá trị 0,6783, tăng trưởng 18,2%.

Đây là năm thứ 4 Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đánh giá Chỉ số DTI của cấp Bộ, cấp tỉnh. Từ Chỉ số DTI, các Bộ, ngành, địa phương có thể theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm để từ đó hoạch định chính sách, thực thi chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác thực hiện chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022, Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện, bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh xác định việc Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển, phải là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bao gồm cả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các chính sách cần nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp, như đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng nền tảng số để tăng cường khả năng tương tác giữa chính quyền và người dân.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đồng bộ. Đẩy mạnh đào tạo và nâng cao nhận thức. Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Phát triển các dịch vụ công trực tuyến toàn diện: Tiếp tục chuẩn hóa quy trình xử lý, đảm bảo cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ toàn trình và liên thông dữ liệu. Số hóa lĩnh vực trọng điểm như công chức, viên chức; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; giao thông và quản lý đô thị...

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022, Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện và đã đạt nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Bình Dương)

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022, Tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai công tác chuyển đổi số theo hướng toàn diện và đã đạt nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: CTTĐT tỉnh Bình Dương)

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, qua 2 năm thực hiện, tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong xây dựng Chính quyền số, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) và triển khai IOC tại 05 thành phố nhằm tăng cường khả năng quản lý và giám sát trong các lĩnh vực an ninh, giao thông và các dịch vụ công… thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các Trung tâm này giúp thu thập, phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra các quyết định quản lý kịp thời và hiệu quả, giúp thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định.

Dịch vụ công trực tuyến được cải tiến, nâng cấp lên mức độ cao giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính; Hệ thống “một cửa điện tử” cũng được tích hợp, nâng cao hiệu quả quản lý và tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân theo dõi tiến trình xử lý thủ tục hành chính.

Tỉnh cũng xây dựng kho dữ liệu và triển khai hệ thống định danh, xác thực điện tử, đảm bảo an toàn thông tin. Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 99,42%; tổng số hồ sơ có sử dụng lại thông tin, dữ liệu, giấy tờ điện tử đã được số hóa với khoảng 180.000 hồ sơ đã được số hóa và sử dụng lại dữ liệu. Bình Dương đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp xử lý khoảng 184.000 hồ sơ.

Đối với phát triển đô thị thông minh, Bình Dương đã tích cực phát triển dự án Thành phố thông minh với ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) trong quản lý đô thị, giao thông và môi trường. Các giải pháp này giúp cải thiện chất lượng sống của người dân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về Kinh tế số cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, trong việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất và quản lý. Sự phát triển này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng của Kinh tế số tại địa phương...

Về định hướng năm 2025 và những năm tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 (IoT, AI, BigData, Blockchain), sổ sức khỏe trên VNeID, học bạ số và hoàn thành số hóa một số lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao du lịch... Đồng thời, tỉnh cũng nâng cao Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các cơ quan trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện hiệu quả và minh bạch trong quản lý và dịch vụ công.

Tiếp tục thực hiện Hệ thống Camera giám sát an ninh, an toàn giao thông do Công an tỉnh làm chủ đầu tư và các dự án Camera giám sát an ninh, an toàn giao thông do UBND các huyện, thành phố triển khai và IOC cấp huyện do các huyện, thành phố triển khai.

Triển khai mạng 5G thương mại theo lộ trình sau khi các nhà mạng đã đấu giá thành công. Triển khai các nền tảng số, tập trung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành và mở dữ liệu ra doanh nghiệp và nhân dân. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số cho đội ngũ cán bộ, công chức; cán bộ chuyên trách; người dân, doanh nghiệp; cơ quan, cá nhân thuộc Mạng lưới chuyển đổi số…

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chi-so-chuyen-doi-so-bi-nh-duong-la-n-da-u-tien-va-o-top-10-ca-nuo-c-394423.html
Zalo