Chiến lược mới của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Giữa căng thẳng thương mại leo thang, Trung Quốc triển khai chiến lược nhắm vào các tập đoàn công nghệ Mỹ như Google, Apple, Broadcom. Bắc Kinh điều tra độc quyền, siết quy định sáp nhập nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán với chính quyền Trump.
![Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 13/1/2025. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_294_51441393/61a828011c4ff511ac5e.jpg)
Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 13/1/2025. Ảnh: TTXVN
Tờ Wall Street Journal ngày 10/2 đưa tin, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Bắc Kinh đang triển khai chiến lược mới nhằm gây sức ép lên Washington thông qua việc nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Động thái này được xem như một nước cờ quan trọng của Trung Quốc trước thềm các cuộc đàm phán với chính quyền Trump về các vấn đề song phương, đặc biệt là việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Theo đó, Bắc Kinh đang lập danh sách các công ty công nghệ Mỹ có thể bị điều tra về hành vi độc quyền và các vấn đề khác, với hy vọng tác động đến các giám đốc điều hành công nghệ có ảnh hưởng lớn trong nhóm cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump. Mục tiêu của chiến lược này là tạo ra càng nhiều "quân bài" càng tốt để sử dụng trong các cuộc đàm phán sắp tới. Tom Nunlist, chuyên gia chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định: "Trung Quốc muốn đến bàn đàm phán và cần thứ gì đó để gây áp lực".
Những "mục tiêu" đầu tiên của chiến lược này đã được xác định. Trung Quốc đã công bố điều tra Nvidia và Google về các cáo buộc độc quyền. Các công ty khác nằm trong tầm ngắm bao gồm Apple, Broadcom và Synopsys - công ty đang chờ Bắc Kinh phê duyệt thương vụ mua lại trị giá 35 tỷ USD.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã có những động thái cụ thể với Google ngay sau khi Mỹ áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Căng thẳng giữa Google và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2019 khi công ty này tuân thủ quy định của Mỹ, hạn chế Huawei sử dụng hệ điều hành Android cho các thiết bị di động.
Với Apple, mấu chốt nằm ở tranh chấp về khoản hoa hồng trong App Store. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Tencent và ByteDance đã phàn nàn về tính công bằng trong chính sách của Apple. Các nhà quản lý Trung Quốc cho rằng mức phí của Apple tại thị trường này quá cao và các quy tắc thanh toán ứng dụng đang cản trở cạnh tranh.
Một công cụ quan trọng khác trong chiến lược của Trung Quốc là quyền phê duyệt các thương vụ sáp nhập. Điển hình là vụ việc của Broadcom khi mua lại VMware với giá 61 tỷ USD. Thương vụ này chỉ được thông qua sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2023, kèm theo các điều kiện về đảm bảo cung cấp cho khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro. Giáo sư Angela Zhang tại Đại học Nam California cảnh báo: "Bắc Kinh phải thận trọng khi hành động chống các công ty Mỹ, đặc biệt là những công ty mà họ phụ thuộc vào các thành phần quan trọng như Nvidia". Bên cạnh đó, các công ty Mỹ hiện nay không còn sẵn sàng bảo vệ Trung Quốc như trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và những lời đe dọa có thể khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Để tăng cường khả năng đàm phán, Trung Quốc đã bổ sung thêm nhiều công cụ quản lý trong những năm gần đây. Năm 2020, họ tạo ra "danh sách thực thể không đáng tin cậy" - tương tự như danh sách thực thể của Mỹ đã ngăn Huawei kinh doanh với các công ty Mỹ. Đến năm 2022, Trung Quốc sửa đổi luật chống độc quyền để thắt chặt các quy tắc về sáp nhập chống cạnh tranh.
An ninh quốc gia cũng là một công cụ được Trung Quốc sử dụng. Năm 2023, họ đã cấm các công ty lớn của Trung Quốc mua hàng từ Micron Technology, nhà sản xuất bộ nhớ máy tính và lưu trữ dữ liệu máy tính của Mỹ, sau khi một cuộc điều tra an ninh mạng cho thấy có rủi ro về an ninh quốc gia, mặc dù Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các hạn chế này không có cơ sở thực tế.