Bình Định ký hợp tác đầu tư dự án tái chế vải polyester với Tập đoàn Syre
Sáng 25/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp Tập đoàn Syre (Thụy Điển) ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh, đồng thời mở ra hướng đi mới cho phát triển nền kinh tế xanh và tuần hoàn.

Toàn cảnh buổi ký kết.
Tập đoàn Syre được thành lập năm 2023 tại Thụy Điển, là đơn vị tiên phong trong công nghệ tái chế sợi dệt may ở quy mô siêu lớn.
Với sứ mệnh giảm phát thải carbon và rác thải ngành dệt may, Syre đã chọn Việt Nam làm địa điểm lý tưởng để phát triển nhà máy Gigascale đầu tiên nhờ vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, lịch sử lâu đời của ngành công nghiệp dệt may và nguồn chuyên môn sẵn có.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre kỳ vọng dự án tại Bình Định sẽ không chỉ góp phần cải thiện môi trường mà còn thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu.

Bà Susanna Campbell phát biểu tại lễ ký kết.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, việc hợp tác với các đối tác quốc tế như Tập đoàn Syre là một bước đi chiến lược. Việt Nam không chỉ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn có nguồn lực sẵn có từ ngành dệt may truyền thống, giúp tăng hiệu quả triển khai các dự án tuần hoàn.
"Sự hiện diện của các bên tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre là dấu mốc quan trọng để bắt đầu một hành trình lâu dài. Tập đoàn Syre cam kết cung cấp những công nghệ tốt nhất, chất lượng cao nhất cùng địa phương giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia", bà Susanna Campbell cho biết.
Theo cam kết trong Bản ghi nhớ, tỉnh Bình Định sẽ bảo đảm các điều kiện và tiêu chí quan trọng để thúc đẩy tiến trình triển khai dự án, bao gồm: Hạ tầng công nghiệp hiện đại tại các khu công nghiệp gần hệ thống logistics và cảng biển nước sâu; nguồn năng lượng tái tạo, từ điện mặt trời và điện gió, đáp ứng nhu cầu của nhà máy; nguồn nguyên liệu đầu vào từ các sản phẩm dệt may có thể tái chế, kết hợp với cơ chế thí điểm nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia lân cận.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để Tập đoàn Syre triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định rằng việc triển khai dự án tái chế vải polyester là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại và năng lượng tái tạo.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhấn mạnh tỉnh hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư quốc tế, từ hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ (cao tốc, sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu) đến môi trường đầu tư hấp dẫn.
"Tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để dự án được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật và phát triển lâu dài", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định.
Tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để dự án được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật và phát triển lâu dài.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng
Trước lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre, ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre, cùng Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi và lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Thủ tướng hoan nghênh định hướng sản xuất xanh, sạch của dự án, nhấn mạnh rằng đây là mô hình phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam; đồng thời khẳng định Bình Định là địa phương lý tưởng cho dự án nhờ môi trường đầu tư tốt, tiềm năng phát triển năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Hai bên ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư.
Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester có công suất thiết kế đạt 250.000 tấn/năm, với công nghệ sản xuất tuần hoàn tạo ra sợi polyester chất lượng cao tương đương nguyên sinh.
Nhà máy Gigascale dự kiến tạo ra 600 việc làm tại địa phương, bao gồm công nhân kỹ thuật tay nghề cao, chuyên gia kỹ thuật và đội ngũ hỗ trợ vận hành.
Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester là một bước đột phá trong ngành công nghiệp dệt may, hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero).
Việc ký kết hợp tác đầu tư giữa tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre không chỉ thể hiện quyết tâm bứt phá của địa phương trong việc khai thác tiềm năng phát triển xanh mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực hội nhập và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.