Masan Consumer công bố loạt chiến lược tăng trưởng mới, hợp tác với Man City

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Masan Consumer trình cổ đông chiến lược mới cho năm 2025 với 3 trụ cột tăng trưởng, nổi bật là hợp tác cùng CLB Manchester City để đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.

ĐHĐCĐ Masan Consumer. Ảnh: TC

ĐHĐCĐ Masan Consumer. Ảnh: TC

Ngoài Tập đoàn Masan (Masan Group), sáng 25/4, hai doanh nghiệp khác thuộc tập đoàn cũng đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH) CTCP Masan MeatLife (mã: MML).

Masan Consumer bắt tay cùng CLB Manchester City

Theo tài liệu trình cổ đông, Masan Consumer tiếp tục là điểm sáng trong hệ sinh thái của tập đoàn khi đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 từ 33.500 - 35.500 tỷ đồng, tăng trưởng hai chữ số từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến dao động trong khoảng 7.300 - 7.800 tỷ đồng.

Ba trụ cột chiến lược được MCH xác định gồm: Thứ nhất là cao cấp hóa sản phẩm, đặc biệt trong nhóm ngành gia vị và thực phẩm tiện lợi - hai lĩnh vực đã ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 7,2% và 8,4% trong năm 2024.

Thứ hai là đổi mới và mở rộng danh mục đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình: Trong năm qua, ngành hàng đồ uống tăng trưởng 14,2%, nổi bật với dòng trà BupNon Tea365 đạt doanh thu 106 tỷ đồng trong quý 4/2024 (tăng gần 189% so với cùng kỳ). Thương hiệu chăm sóc cá nhân Chanté cũng đạt doanh thu 157 tỷ đồng trong quý 4/2025, tăng trưởng 24,1%.

Thứ ba là chiến lược Go Global: MCH dự kiến tăng trưởng doanh thu từ các thị trường quốc tế ít nhất 20% trong năm 2025, tập trung tại các quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và khối EU, với nhóm sản phẩm chủ lực gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.

Một trong những bước đi chiến lược mới là việc Masan Consumer (MCH) chính thức hợp tác với CLB bóng đá thuộc giải Ngoại hạng Anh Manchester City, mở màn bằng chiến dịch quảng bá mới cho thương hiệu nước tăng lực Wake-up 247. Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong hành trình nâng tầm thương hiệu Việt ra sân chơi toàn cầu.

Chia sẻ tại đại hội, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc MCH cho biết: "Chúng tôi kiên định với chiến lược kết hợp những yếu tố cốt lõi để tạo ra tăng trưởng bền vững: phát triển sản phẩm mang tính đột phá, xây dựng thương hiệu mạnh, chinh phục điểm bán lẻ, tập trung vào những lĩnh vực có thể tạo ra giá trị lớn, và triển khai với tốc độ nhanh - tinh thần 'Fewer - Faster - Bigger'. Tất cả được hậu thuẫn bởi mô hình tài chính vượt trội của Masan".

Nhờ định hướng đó, năm 2024, doanh thu từ các sản phẩm đổi mới sáng tạo của MCH đã vượt mốc 90 triệu USD, tăng trưởng ấn tượng 62% so với năm trước.

Hiện MCH sở hữu mạng lưới phân phối thuộc hàng lớn nhất cả nước: hơn 313.000 điểm bán thuộc kênh truyền thống, 8.500 điểm bán hiện đại, 82.000 điểm bán ngoài gia đình và đang mở rộng mạnh mẽ trên nền tảng trực tuyến qua hệ sinh thái Hội viên WIN. Mạng lưới phân phối này không chỉ đảm bảo khả năng phủ thị trường nhanh chóng, mà còn giúp công ty tối ưu chi phí phục vụ.

Trước khi bắt đầu đại hội, Masan Group đặt trên bàn mỗi cổ đông một hộp quà, đây chính là các sản phẩm được hợp tác với Man City của Masan Consumer.

Các sản phẩm có trong "hộp mù", hợp tác với Man City của Masan Consumer. Ảnh: Đức Huy

Các sản phẩm có trong "hộp mù", hợp tác với Man City của Masan Consumer. Ảnh: Đức Huy

Về hiệu quả tài chính, MCH tiếp tục giữ vững nguyên tắc vận hành "mô hình tài chính vượt trội" với biên lợi nhuận gộp vượt 42%, cho phép công ty tái đầu tư mạnh tay vào hoạt động xây dựng thương hiệu - một trong những khoản chi trọng yếu. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận vận hành trên 25% giúp MCH củng cố vị thế là công ty tiêu dùng dẫn đầu về hiệu suất hoạt động tại Việt Nam.

Về cổ tức, MCH đã chi trả cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ lên tới 95% (tương đương 6.884 tỷ đồng). Năm 2025, công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 60%, tương ứng 6.000 đồng/cổ phiếu.

MCH cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP tương tự như Masan Group.

Masan MeatLife đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số

Năm 2025, CTCP Masan MeatLife đặt kế hoạch doanh thu từ 8.250 - 8.750 tỷ đồng, tăng trưởng 8 - 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến dao động từ 25 - 205 tỷ đồng, phản ánh sự phục hồi và kỳ vọng tích cực trong hoạt động kinh doanh sau giai đoạn tái cơ cấu.

Công ty không có kế hoạch chia cổ tức trong năm, thay vào đó sẽ triển khai chương trình ESOP với tối đa 3,5% số cổ phần đang lưu hành, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, thời điểm thực hiện dự kiến trong năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Bên cạnh đó, các đơn vị chưa niêm yết trong hệ sinh thái Masan cũng ghi nhận nhiều triển vọng tích cực. WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ và Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 35.600 đến 36.900 tỷ đồng, tăng trưởng 8% đến 12% và cùng đạt lợi nhuận sau thuế dương.

Phúc Long Heritage đặt mục tiêu doanh thu đạt từ 1.910 đến 2.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 18% đến 36%.

WinCommerce muốn mở 4.500 điểm bán hàng cuối năm

Thông tin từ Masan, WinCommerce (WCM) đang tăng tốc mở rộng hệ thống minimart với mục tiêu chạm mốc hơn 4.500 điểm bán vào cuối năm 2025, trong đó có tới 1.900 cửa hàng tại khu vực nông thôn. Trung bình mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 2 cửa hàng mới đi vào hoạt động. Mô hình này đã được WCM tối ưu vận hành, giúp đạt biên EBITDA trung bình khoảng 7%, một trong những mức hiệu quả hàng đầu trong khu vực.

Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Phương - Tổng giám đốc WCM chia sẻ: "Năm 2024 là lần đầu tiên chúng tôi vượt mốc 30.000 tỷ đồng doanh thu - con số từng được xem là ngưỡng 'kháng cự' đối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam. Không nhiều doanh nghiệp vượt qua được cột mốc này, nhưng chúng tôi đã làm được".

Cũng trong năm 2024, WCM lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương - cột mốc đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững. "Khi bắt đầu có lãi, chúng tôi mới thực sự tối ưu được dòng tiền, quản lý hàng tồn hiệu quả và tạo ra dòng tiền lên đến 1.500 tỷ đồng," bà Phương cho biết.

Đặc biệt, điểm thay đổi trong chiến lược vận hành của WCM là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Ví dụ, chỉ bằng cách rút ngắn 1cm chiều dài tờ hóa đơn, doanh nghiệp đã tiết kiệm được tới 10 tỷ đồng mỗi năm. Song song với việc siết chặt chi phí, WCM vẫn duy trì mức lương cạnh tranh và nâng cao phúc lợi cho nhân viên – mức lương năm 2024 đã tăng 10 - 12%.

"Suốt 5 năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực tối ưu hóa chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho từng cửa hàng," bà Phương nhấn mạnh.

WCM cũng đang triển khai chương trình ESOP - cho phép các cửa hàng trưởng trở thành cổ đông của công ty. Theo bà Phương, điều này không chỉ giúp giữ chân nhân tài mà còn khuyến khích tư duy làm chủ, biến mỗi cửa hàng trưởng thành một “nhà sáng lập” trong hệ sinh thái bán lẻ của Masan.

WinCommerce tăng tốc mở rộng, đưa minimart về nông thôn. Ảnh minh họa

WinCommerce tăng tốc mở rộng, đưa minimart về nông thôn. Ảnh minh họa

Chiến lược đưa minimart về nông thôn đang phát huy hiệu quả. Ở đô thị, các cửa hàng có khoảng cách chỉ 500m, tập trung vào hàng tươi sống và tính tiện lợi. Ở nông thôn, cửa hàng không chỉ là điểm mua sắm, mà còn trở thành không gian kết nối cộng đồng và lan tỏa lối sống hiện đại.

Chiến lược "giá thấp mỗi ngày" tiếp tục được triển khai nhất quán, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dù ở thành thị hay nông thôn, Masan luôn đặt chất lượng hàng tươi sống lên hàng đầu, thể hiện cam kết phát triển gắn liền với trách nhiệm xã hội.

Mô hình minimart cũng cho thấy nhiều ưu thế vượt trội so với đại siêu thị (hypermarket), nhất là trong bối cảnh giá đất leo thang và giao thông đô thị ùn tắc - những yếu tố cản trở mô hình đại siêu thị phát triển. Trong khi đó, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò chính, nhưng dần bão hòa khi thế hệ Gen Z - nhóm tiêu dùng chính trong tương lai ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Về tài chính, WCM đã cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành minimart. Nhờ quản trị hàng hóa, chương trình khuyến mại và kiểm soát nhà cung cấp bài bản, biên lợi nhuận đã tăng thêm 7 điểm phần trăm, trong khi chỉ số giá giảm 6 điểm phần trăm so với đối thủ. Tỷ lệ doanh thu hoàn vốn trên mỗi cửa hàng cũng đã giảm tới 60 điểm phần trăm.

"Nếu như năm 2019, mô hình minimart của WCM vẫn còn lỗ 15%, thì đến nay đã chuyển sang có lãi, đạt mức lợi nhuận 4,4%", bà Thảo thông tin.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/masan-consumer-cong-bo-loat-chien-luoc-tang-truong-moi-hop-tac-voi-man-city-40849.html
Zalo