'Tháo van' tín dụng cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý; đề xuất các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, môi trường, quy hoạch… tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng xanh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam.

Muốn cho vay xanh, ngân hàng cũng cần được gỡ khó

Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao động tổ chức chiều 25/4, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQ Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long cho biết: “Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải chọn ra phương án sản xuất tuần hoàn hoặc theo dạng chuỗi giá trị sản phẩm, đó chính là kinh tế xanh. Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã nỗ lực để xây dựng và phát triển thành công doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hướng đến môi trường xanh trong xử lý chất thải và sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn”.

Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long.

Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long.

Theo ông Lê Quang Thắng, đối với xử lý chất thải, hàng ngày công ty thường tiêu hủy bình quân 500 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường. Đến nay, công suất xử lý rác sinh hoạt đạt khoảng 400 tấn/ngày bằng công nghệ đốt triệt để 100% không qua phân loại, không có chôn lấp; trong quá trình xử lý không phát sinh nước thải ra môi trường; chất lượng không khí xung quanh và khí thải đảm bảo QCVN; tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp đề nghị NHNN có chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế xanh, phải có tín dụng xanh cho sự phát triển của đất nước.

Theo doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn xanh gần như là quá xa vời do ngân hàng có thể không đưa được doanh nghiệp vào danh mục "xanh' vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành, lĩnh vực, nên khi làm việc với ngân hàng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi. “Việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của chúng tôi đến nay đã hơn 10 năm, tiếp cận nhiều ngân hàng, mất nhiều công làm hồ sơ, nhưng vẫn không thể tiếp cận được vốn tín dụng xanh”, ông Lê Quang Thắng bày tỏ.

Ông Vương Thành Long, Phó Trưởng khối Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ông Vương Thành Long, Phó Trưởng khối Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Chia sẻ về chiến lược thúc đẩy tín dụng xanh, ông Vương Thành Long, Phó Trưởng Khối Kinh doanh vốn và tiền tệ (KDV&TT - BIDV) cho biết, trong bối cảnh xu hướng phát triển bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng đối mặt với các áp lực lớn hơn từ nhiều phía, gồm các quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ của Nhà nước, các yêu cầu khắt khe từ các nhà đầu tư quốc tế (trong việc góp vốn hay cho vay) và từ khách hàng, đối tác trong chuỗi giá trị (nhà cung cấp, phân phối, người mua) về trách nhiệm môi trường và xã hội.

BIDV hiện là ngân hàng dẫn đầu thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, sở hữu danh mục sản phẩm phong phú từ khoản vay xanh, trái phiếu xanh, tiền gửi xanh đến tài trợ thương mại xanh, với quy mô dư nợ tín dụng xanh đến 31/12/2024 đạt gần 81.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% thị phần tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng.

Vì vậy, mong Nhà nước nhanh chóng có quy định về cách xác định tiêu chuẩn xanh để bên thụ hưởng chính sách được hưởng quyền lợi; đồng thời, những chương trình chính sách thúc đẩy dự án bền vững có thể duy trì ổn định. Đặc biệt đối với những lĩnh vực rủi ro, dễ tổn thương như nông nghiệp có thể xây dựng một quỹ dự phòng rủi ro để doanh nghiệp có kế hoạch phát triển hơn.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, từ khoảng năm 2012 - 2013, Việt Nam từng có chương trình thí điểm với 15 chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong số 15 mô hình, chỉ một vài mô hình đạt hiệu quả, phần lớn còn lại chưa đem lại kết quả như kỳ vọng, ví dụ như mô hình trồng hoa lan ở Đà Lạt, dù được đầu tư bài bản, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ nét.

Rút kinh nghiệm từ những dự án đó, Chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải hiện được Agribank triển khai theo một phương thức hoàn toàn khác: sản xuất theo chuỗi giá trị. Ở đó, việc cho vay được thực hiện đồng bộ cho tất cả các khâu, từ đơn vị cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến hộ nông dân và đơn vị thu mua cuối cùng. Mỗi bên tham gia trong chuỗi đều có trách nhiệm rõ ràng.

Trường hợp toàn bộ các thành phần cùng tham gia và vay vốn đồng bộ, ngân hàng có thể áp dụng mức lãi suất ưu đãi sâu hơn, giảm tới 1,5 - 2%. Ngược lại, nếu chỉ vay riêng lẻ từng khâu thì mức ưu đãi sẽ thấp hơn.

“Tuy nhiên, vẫn còn một vướng mắc lớn liên quan đến tài sản đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm hoặc chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định, ngân hàng không thể nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp đó, chỉ được phép nhận tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lưới, nhưng các tài sản này lại rất khó định giá cụ thể, không đủ điều kiện để thế chấp. Đây là rào cản lớn, khiến ngân hàng dù muốn cho vay cũng khó giải ngân”, bà Phùng Thị Bình cho biết.

Hiện nay, Agribank có khoảng 29.000 tỷ đồng được phân loại là tín dụng xanh, nhưng thực tế con số này có thể còn lớn hơn do nhiều khoản vay chưa thể xác định đúng danh mục vì chưa có khung phân loại chính thức. Song, đến nay vẫn chưa có Nghị định hoặc hệ thống danh mục phân loại xanh cụ thể để làm cơ sở xác định dự án đủ điều kiện tín dụng xanh. Điều này khiến nhiều khoản vay tiềm năng không thể được thống kê hoặc tiếp cận đúng theo chính sách...

Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh

Ông Lê Quang Thắng đề xuất, Nhà nước cần có quy định cụ thể về các dự án xanh cho từng ngành từng lĩnh vực, NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét có chính sách tín dụng, chính sách lãi suất tốt hơn đối với các doanh nghiệp xanh. Các NHTM tăng cường tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực tín dụng xanh từ các định chế tài chính quốc tế, quỹ tín thác tín dụng xanh... để cung cấp vốn tín dụng xanh giá rẻ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

“Việt Nam cần sớm ban hành hệ thống phân loại xanh thống nhất với các tiêu chí cụ thể, để ngân hàng có căn cứ thẩm định và triển khai cho vay. Agribank là ngân hàng có đặc thù huy động vốn chủ yếu từ dân cư, khoảng 80% là tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất cao, nên cần được phân bổ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức quốc tế, như nguồn thu bán tín chỉ các-bon hoặc chương trình 1 triệu ha lúa, để triển khai cho vay xanh hiệu quả và đúng định hướng”, bà Phùng Thị Bình đề xuất.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Việt Nam có lợi thế từ Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng các nghị quyết Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng thúc đẩy tín dụng xanh để đạt tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030. Từ 15 TCTD năm 2017, đến 2024 đã có 50 đơn vị, với dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 22%/năm, vượt tốc độ tăng trưởng dư nợ chung. Tuy nhiên, tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ cho thấy dư địa lớn.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam). Ảnh: Hải Nguyễn

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam). Ảnh: Hải Nguyễn

“NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ngân hàng xanh; hỗ trợ các TCTD triển khai chính sách quản trị rủi ro về môi trường và xã hội, tăng cường huy động nguồn lực quốc tế để tài trợ các dự án xanh, trong đó đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng cho các dự án có lợi ích về môi trường, bảo vệ môi trường sau khi Danh mục xanh quốc gia được ban hành”, bà Hà Thu Giang khẳng định.

Phương-Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thao-van-tin-dung-cho-doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-20250425205405973.htm
Zalo