Bình Định: Kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp
Tỉnh Bình Định yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư các cụm công nghiệp triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024.
Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, trong 9 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện một số chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần nhìn nhận nghiêm túc như: tiến độ và chất lượng thực hiện các chỉ tiêu chưa đảm bảo, nhiều chỉ tiêu không đạt, chưa giải quyết kịp thời và triệt để các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ chủ đầu tư.
Ngoài ra, các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quyết tâm triển khai thực hiện các chỉ tiêu; quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư ở các địa phương chưa đảm bảo theo yêu cầu; năng lực của một số nhà đầu tư còn yếu, chưa quyết tâm triển khai thực hiện dự án, chỉ triển khai xây dựng khi có nhà đầu tư thứ cấp, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, chưa đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải...
Bên cạnh đó, các địa phương chưa bố trí nguồn lực đầy đủ để thực hiện. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, một số chủ đầu tư chưa tạm ứng kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thủ tục đầu tư của một số chủ đầu tư còn chậm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, những tồn tại, hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do một số quy định của pháp luật có sự thay đổi, khó khăn trong công tác chuyển mục đích sử dụng đất, thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp,… còn có các nguyên nhân chủ quan về tinh thần trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư; các Sở, ngành, địa phương chưa chủ động, kịp thời nhắc nhở đôn đốc, kiểm tra, xử lý theo quy định; các chủ đầu tư thiếu quyết tâm, chưa chủ động triển khai thực hiện…
Thành lập Tổ công tác liên ngành
Để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng giao Sở Công Thương thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với các địa phương và chủ đầu tư các cụm công nghiệp để rà soát, đánh giá tổng thể kết quả thực hiện cả năm và Kế hoạch đầu tư, phát triển năm 2025; báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp năm 2025 vào đầu tháng 12/2024; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Chủ động phối hợp với các Sở, ngành và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục như cấp phép xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư hạ tầng bên ngoài cụm công nghiệp (đường giao thông, điện, nước,...)...
Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Kế hoạch đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp từ nay đến hết năm 2025; đồng thời, tổ chức triển khai phúc tra những nội dung các chủ đầu tư đã cam kết và triển khai xử lý theo quy định đối với các doanh nghiệp thực hiện không đảm bảo tiến độ mà không có lý do chính đáng; đề xuất UBND tỉnh xử lý đối với chủ đầu tư không có năng lực triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, đôn đốc các địa phương có Kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; đồng thời, chủ động đánh giá, lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án. Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc phê duyệt giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đảm bảo thống nhất và phù hợp theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của các chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp bị chậm tiến độ, không tham dự họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (trong đó có chủ đầu tư Cụm công nghiệp Bình An), đề xuất xử lý, giải quyết; trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện dự án thì xử lý, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng cụm công nghiệp, dự án đầu tư của nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo kịp tời, đúng quy định; đồng thời, tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư để đôn đốc, nhắc nhở, xử lý theo quy định.
Về thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, trong 9 tháng năm 2024, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thu hút 16 dự án với tổng vốn đầu tư 1.889,2 tỷ đồng (bình quân 118 tỷ đồng/dự án), tổng diện tích 53,1 ha. Đồng thời, có 10 dự án đang triển khai thủ tục với tổng vốn đầu tư 226,6 tỷ đồng, tổng diện tích 17,9 ha.
Đến nay, có 26 dự án đăng ký đầu tư vào CCN với tổng vốn đăng ký 2.115,8 tỷ đồng, tổng diện tích 71 ha (năm 2024, UBND tỉnh Bình Định giao chỉ tiêu thu hút 21 dự án, bình quân 20 tỷ đồng/dự án). Tính đến nay, đã thu hút 380 dự án đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu 738,2 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đi vào hoạt động 80%; bình quân 2 ha/dự án.
Lũy kế 9 tháng năm 2024 có 41 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 4.342 tỷ đồng (trong đó: có 8 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 3.593 tỷ đồng).