Nhiều khách thuê trả mặt bằng nhà phố Hà Nội
Nhiều tuyến phố lớn vốn là nơi buôn bán sầm uất ở Hà Nội, nay xuất hiện dày đặc biển quảng cáo cho thuê cửa hàng sau khi khách cũ trả mặt bằng.
Chị Thúy Anh (32 tuổi, Hà Nội) vừa trả lại mặt bằng kinh doanh trên phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội). Cửa hàng rộng 30 m2 được chị thuê từ cuối năm 2022 với giá 20 triệu đồng/tháng để kinh doanh thời trang. Sau gần 2 năm, chị Thúy Anh tính toán số tiền thu được từ bán hàng không đủ bù vốn nhập hàng, chi phí thuê mặt bằng, điện nước... chị buộc đóng cửa hàng và chuyển hướng sang kinh doanh online.
Ế ẩm nhà phố cho thuê
Trường hợp của chị Thúy Anh không phải cá biệt. Tình trạng hàng quán đóng cửa, trả mặt đang diễn ra tại nhiều khu vực, kể cả những tuyến phố từng được xem là nơi kinh doanh sôi động tại Hà Nội.
Riêng phố Kim Mã, đoạn đường chưa đến 1 km từ điểm giao với phố Núi Trúc đến điểm giao với phố Nguyễn Thái Học hiện có gần 20 cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng, hầu hết đều gắn biển tìm khách thuê.
Cạnh đó, trên phố Nguyễn Thái Học, một loạt cửa hàng từng kinh doanh quần áo, thời trang thể thao cũng đóng cửa hàng loạt. Tình trạng này đã diễn ra hơn 1 năm trở lại đây.
Còn tại phố Trần Phú (quận Hà Đông) - một trong những tuyến đường trung tâm của quận Hà Đông, anh Cao Nhật cũng vừa chấp nhận đóng cửa hàng kinh doanh thời trang thể thao chỉ sau 6 tháng khai trương vì tiền thuê cửa hàng chiếm quá nửa doanh thu.
Anh Nhật thuê căn nhà 3 tầng, tổng diện tích sàn khoảng 75 m2 với giá 14 triệu đồng/tháng. Toàn bộ diện tích tầng 1 được dành để trưng bày sản phẩm, tầng 2 để máy in, tầng 3 để sinh hoạt. Liên tục 6 tháng qua, số tiền anh Nhật thu về từ cửa hàng chỉ dao động 20-25 triệu đồng/tháng.
"Trước khi khai trương cửa hàng này, tôi đã vận hành 2 gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Kinh doanh trên các sàn khá thuận lợi, khách mua đều nên tôi mới tính chuyện mở cửa hàng, mục đích là đa dạng cách thức kinh doanh và làm thương hiệu. Nhưng vận hành một cửa hàng phức tạp ngoài tưởng tượng, từ việc tiếp cận khách hàng đến tìm kiếm và quản lý nhân viên. Khó nhất là cân đối doanh thu và chi phí bỏ ra", chủ cửa hàng nói.
Theo anh Lê Hòa, chủ một văn phòng môi giới bất động sản bán và cho thuê tại quận Ba Đình, số lượng nhà phố có nhu cầu cho thuê tại khu vực Ba Đình đã tăng khoảng 20% so với một năm trước. Các cửa hàng có diện tích đa dạng, từ vài chục m2 đến 70-80 m2, chủ yếu từng được cho thuê để kinh doanh thời trang. Anh cho biết không ít chủ nhà rao thuê hơn nửa năm nay nhưng vẫn chưa tìm được khách dù giá thuê khá ổn định hoặc chỉ tăng 10-15% so với giai đoạn 2020-2021.
Tương lai của nhà phố
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của cửa hàng vật lý không đạt kỳ vọng, cả chị Thúy Anh và anh Cao Nhật cùng tính đến phương án kinh doanh online sau khi trả mặt bằng cũ. Các chủ hàng này cho rằng hiện tại, kinh doanh thời trang nhỏ lẻ khó đảm bảo lợi nhuận để gánh chi phí mặt bằng.
Môi giới Lê Hòa cho biết số lượng người tìm thuê mặt bằng kinh doanh hiện không nhiều như giai đoạn trước. Khách thuê ngày càng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn về mặt bằng như chiều rộng mặt tiền, vỉa hè, chỗ đỗ xe...
Không ít khách hàng từng tìm kiếm mặt bằng kinh doanh từ chỗ anh Lê Hòa đến nay đã phải tạm dừng hoạt động, trả mặt bằng, qua đó tạo ra thách thức cho loại hình nhà phố cho thuê tại Hà Nội.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, hiện nay, các nhãn hàng không còn mở cửa hàng một cách đại trà như trước mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng. Trong đó, các thương hiệu đã có tên tuổi thường tập trung vào các mặt bằng có vị trí đắc địa, mỗi cửa hàng có khả năng tự tạo ra lợi nhuận độc lập.
Bà Minh lấy ví dụ, thay vì tính toán câu chuyện về vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, các nhãn hàng còn phải tính toán tới việc liệu địa điểm có khu vực đỗ xe, có bị ảnh hưởng bởi việc cấm đường giờ cao điểm hay có vị trí cho nhân viên giao hàng đỗ xe lấy hàng... Do vậy, các mặt bằng tại khu vực đông dân cư, nhiều lối tiếp cận, chỗ đỗ xe thuận tiện, vỉa hè thông thoáng, không bị hạn chế bởi các dự án hạ tầng đang xây dựng hay cấm đường giờ cao điểm... được ưu tiên hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng thị trường nhà phố cho thuê tại Hà Nội nói riêng và cả thị trường trong nước nói chung đang có diễn biến tương tự thị trường Trung Quốc.
Theo đó, giá bán của loại hình nhà phố, đặc biệt nhà phố ở các khu vực trung tâm thành phố lớn, ngày càng tăng cao. Do đó, kể cả khi chủ nhà giữ giá cho thuê, tỷ suất lợi nhuận từ cho thuê mặt bằng vẫn giảm.
"Để giữ giá trị của căn nhà, chủ nhà không thể giảm giá cho thuê vì tỷ suất lợi nhuận hiện đã ở mức rất thấp rồi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trên thị trường hiện tại vẫn chưa thể xem là tốt, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh không dễ gánh được chi phí thuê mặt bằng. Điều đó dẫn đến tình trạng mặt bằng cho thuê ế ẩm", ông Quốc Anh nói.
Một lý do khác được ông Quốc Anh dẫn ra là câu chuyện phát triển của thương mại điện tử đang khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Việc thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm dần trở nên không cần thiết.
Ông Quốc Anh cho rằng nhà phố đang và sẽ gặp khó trong việc cho thuê. Ngoại trừ các đơn vị kinh doanh hàng ăn - loại hình mà kinh doanh online khó thay thế - hoặc các ngân hàng cần thuê mặt bằng lớn để làm phòng giao dịch, các cá nhân kinh doanh loại hàng hóa thông thường như thời trang sẽ giảm nhu cầu về mặt bằng nhà phố.
"Trong tương lai xa, nhà phố sẽ quay về đúng với bản chất của một căn nhà, tức phục vụ mục đích để ở hơn là kinh doanh", ông Quốc Anh dự báo.