Bình Định hoàn tất sắp xếp phương án xử lý tài sản công trước 15/5

Tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị, sở ngành các cấp trên địa bàn tỉnh phải xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị, hoàn thành trước 15/5.

Ngày 11/5, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đã ký công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án sắp xếp, bố trí và xử lý tài sản công.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, phân loại, lập danh sách tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, báo cáo UBND cấp huyện. Các đơn vị phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn phải gấp rút xây dựng phương án sắp xếp, bố trí và xử lý tài sản công, đồng thời báo cáo và hoàn tất phương án gửi về Sở Tài chính tỉnh Bình Định trước ngày 15/5/2025 để tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bình Định yêu cầu hoàn tất phương án sắp xếp, xử lý tài sản công chậm nhất tới ngày 15/5. Ảnh:TT

Bình Định yêu cầu hoàn tất phương án sắp xếp, xử lý tài sản công chậm nhất tới ngày 15/5. Ảnh:TT

Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài.

Ngoài ra, tỉnh ưu tiên điều hòa, bố trí hợp lý tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương; trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản thì thực hiện chuyển đổi công năng để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sau khi sáp nhập các xã, trụ sở dôi dư sẽ làm gì phải có phương án cụ thể. Còn lại các đơn vị phải báo cáo về cho Sở Tài chính. Việc này thuộc trách nhiệm quản lý tài sản công, phải đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

Tỉnh định hướng ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp không còn nhu cầu làm trụ sở, các tài sản dôi dư sẽ được nghiên cứu chuyển đổi công năng thành các thiết chế phục vụ cộng đồng như trạm y tế, trường học, thư viện, công viên hay trung tâm văn hóa - thể thao.

Ngoài trụ sở, tỉnh cũng đặc biệt lưu tâm đến xe ô tô công, nhất là xe chuyên dùng trong y tế, môi trường, hậu cần. Theo đó, việc xử lý loại tài sản này sẽ theo nguyên tắc, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Các xe phục vụ chung cho cấp huyện có thể được điều chuyển lên các đơn vị cấp tỉnh còn thiếu, chưa có tài sản hoặc xử lý theo quy định.

Trước đó, để tạo điều kiện cho các cán bộ, công nhân viên làm việc khi thực hiện sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo Nhà khách Thanh Bình (số 6 Lý Thường Kiệt, Tp.Quy Nhơn) thành nhà ở công vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Quy mô gồm 5 khối nhà từ 2-5 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 7.400m2, thời gian thực hiện trong năm 2025.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinh-hoan-tat-sap-xep-phuong-an-xu-ly-tai-san-cong-truoc-15-5-204250511201207454.htm
Zalo