Bình Định: Công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn

2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cặp sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định.

2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là tác phẩm điêu khắc Champa hình tượng sư tử, tư thế nửa nằm, nửa đứng. 2 tượng sư tử đá này cũng là một hình tượng điêu khắc độc nhất trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc tượng sư tử của Champa.

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn.

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn.

Hiện, Bình Định là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa Champa đặc sắc, với quần thể kiến trúc, tín ngưỡng gồm 8 cụm và 14 tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn. Những tác phẩm điêu khắc Champa không chỉ là biểu tượng của văn hóa Champa mà còn chứa đựng yếu tố nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo và triết lý.

Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định vinh dự có 13 tác phẩm điêu khắc đá Champa được công nhận là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong số này, Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 8 bảo vật quốc gia gồm: Phù điêu nữ thần Mahisha Sura Mardini, niên đại đầu thế kỷ XII; Phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ XII; Cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII-XIV; Phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; Phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI-đầu thế kỷ XII.

Trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc Gia cho Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định.

Trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc Gia cho Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định.

Năm bảo vật quốc gia còn lại hiện đang được lưu giữ ở các địa phương gồm: Cặp voi đá thành Đồ Bàn, niên đại nửa sau thế kỷ XII, tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn; Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn, niên đại thế kỷ XII-XIII, tại xã Nhơn Hậu; Tượng thần Shiva chùa Linh Sơn, niên đại thế kỷ XV, tại xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn.

Những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia là những hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa-lịch sử. Bên cạnh giá trị khoa học, các bảo vật này còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và tôn giáo của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định bày tỏ: Việc phát huy giá trị hệ thống hiện vật này trong thời gian tới không chỉ thể hiện tinh thần trân trọng di sản mà còn gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, khai thác nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa, mang đến sản phẩm du lịch văn hóa mới, giúp du khách trong và ngoài nước trải nghiệm, khám phá, hiểu biết nhiều hơn về nền văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa của tỉnh Bình Định, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Sư tử đá thành Đồ Bàn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Sư tử đá thành Đồ Bàn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang cho biết: Bình Định có chiều dài lịch sử với những trầm tích văn hóa đa dạng và đặc sắc. Đến nay, Bình Định có 150 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Trong nhiều năm qua, đề cao tầm quan trọng của di sản văn hóa, lãnh đạo UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa và Thể thao để xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, đồng thời là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội gắn với công tác bảo di sản văn hóa trên địa bàn vệ, phát huy giá trị tỉnh.

Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia.

Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia.

Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ. Qua đó tìm hiểu xác định niên đại, giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật; rà soát, nghiên cứu, sưu tầm và lựa chọn các hiện vật tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia nhằm bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa trên quê hương Bình Định.

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-dinh-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-2-tuong-su-tu-da-thanh-do-ban-389049.html
Zalo