'Binh chủng đặc biệt' của cách mạng
Trong kháng chiến chống Mỹ, những ca khúc 'nhạc đỏ' đã mang đến niềm tin, động lực cho quân dân ta vượt qua bao gian lao, thử thách để đi đến ngày thống nhất non sông.
Bởi vậy, những bài hát cách mạng ra đời trong thời kỳ này có thể được xem như là một "binh chủng đặc biệt" của cách mạng Việt Nam.
Hành trang vượt đỉnh Trường Sơn
"Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác/ Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người/ Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời..." - những ca từ, giai điệu nhịp hành khúc quen thuộc này đã nâng bước chân người chiến sĩ vượt dãy Trường Sơn. Nhưng không phải ai cũng biết nhạc sĩ Huy Thục đã sáng tác "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Năm 1969, khi hay tin Bác mất, ông cùng các nhạc sĩ quân đội có mặt tại Hà Nội để viếng Người. Trên đường trở lại chiến trường, ông trăn trở suy nghĩ, và rồi "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" ra đời. Ca khúc như ngọn đuốc soi sáng, tiếp thêm ý chí mạnh mẽ cho người chiến sĩ: "Lời Bác thúc giục chúng ta/ Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca". Điểm đặc biệt ở đây là tác giả đã biến một sự kiện đau buồn của dân tộc thành sức mạnh niềm tin.
Năm 1974, kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, nhạc sĩ Trần Chung viết "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" dựa trên bài thơ của một người lính Trường Sơn, nhà thơ Nguyễn Trung Thu. Ca khúc viết ở nhịp hành khúc nhưng mang chất trữ tình, là tình cảm của những chiến sĩ trẻ dành cho vị lãnh tụ kính yêu: "Ơi đêm Trường Sơn/ Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Mà ngỡ như từ Pác Bó/ Suối về đây ngân nga”, và "Cảnh về khuya như vẽ..." như thấy Bác luôn hiện hữu trên mỗi bước đường hành quân.
Chiến tranh khốc liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Vậy điều gì giúp người chiến sĩ có thể vượt qua? Có lẽ chính là nhờ hành trang tinh thần được kết tụ từ ít nhất ba yếu tố: Sự lạc quan bao gồm cả niềm tin, bản lĩnh và lòng yêu nước. Ba yếu tố này không tách rời mà hiện hữu một cách hài hòa, lan tỏa một cách tự nhiên vào trong tác phẩm âm nhạc.
Trên dặm dài hành quân, chiến đấu trong "mưa bom bão đạn", biết bao hiểm nguy rình rập, cảnh đẹp thiên nhiên, rừng núi quê hương vẫn hiện hữu trong câu hát và những lời ca ngời ngời khí thế cho trái tim người chiến sĩ trẻ thêm yêu đời, thêm rộn nhịp bước chân hướng về miền Nam ruột thịt.
Ra đời năm 1966 với tinh thần thép dâng trào và ngập tràn tình yêu quê hương, ca khúc "Bước chân trên dải Trường Sơn" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối (lời Đăng Thục - tức NSND Tào Mạt) xứng đáng được coi là "Trường Sơn ca": "Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi về phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương...".
Ca khúc "Anh vẫn hành quân" (1964) của Huy Du - Trần Hữu Thung với nhịp hành khúc, ca từ lạc quan cũng là một trong những bài hát nằm trong hành trang người lính Trường Sơn.
Đồng hành với mỗi người lính
Cùng ở Trường Sơn, ca khúc "Đường tôi đi dài theo đất nước" được nhạc sĩ Vũ Trọng Hối sáng tác năm 1966 và ca khúc "Anh quân bưu vui tính" ra đời năm 1971 của nhạc sĩ Đàm Thanh đã luôn sát cánh cùng người lính giao liên, quân bưu trên bước đường hành quân. Cũng tác giả Đàm Thanh năm 1962 đã sáng tác "Tôi là Lê Anh Nuôi", một ca khúc dí dỏm về người lính hậu cần.
Âm nhạc viết về lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có "Cô gái mở đường", "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn"... Trong đó "Cô gái mở đường" được Xuân Giao sáng tác năm 1966 khi chứng kiến đơn vị thanh niên xung phong ngày đêm mở đường dưới "mưa bom bão đạn" tại “tuyến lửa” Quảng Bình.
Còn ca khúc "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sáng tác ngay trong thời điểm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đề cập đến phút lãng mạn của người chiến sĩ có ca khúc "Bài ca bên cánh võng" (1969) của nhạc sĩ Nguyên Nhung và "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" (1971) do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật...
Không chỉ ở tiền tuyến mà nơi hậu phương cũng xuất hiện trong nhiều ca khúc ghi lại khí thế quyết tâm, đồng lòng tất cả vì miền Nam thân yêu. Tiêu biểu trong số đó có "Bài ca năm tấn" (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1967): "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày".
Cùng năm này, bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" (nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong chuyến đi thực tế tại “quê hương chiếc gậy Trường Sơn” - xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây) phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lập tức trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa sức mạnh tinh thần cho lớp lớp thanh niên nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
Đóng góp vào âm nhạc thời chống Mỹ còn phải kể tới "Mỗi bước ta đi", "Hát mừng quê ta giải phóng", "Bài ca tiếp vận", "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin", "Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc"... của nhạc sĩ Thuận Yến. Một tên tuổi nữa có nhiều sáng tác hay trong thời kỳ này là nhạc sĩ Xuân Hồng với những ca khúc nổi tiếng như "Bài ca may áo" (1960), "Xuân chiến khu" (1963), "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" (1963), "Chiếc khăn tay" (1964), "Hành quân đêm" (viết với Trí Thanh vào năm 1965)...
Ngày thống nhất non sông 30-4-1975 đã đi vào lịch sử âm nhạc cách mạng khi được khắc họa trong 3 tuyệt phẩm. "Như có Bác trong ngày đại thắng" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đêm 28-4 và thu âm ngay trong chiều 30-4 để kịp phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt lúc 17h cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.
"Đất nước trọn niềm vui" được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác tại Hà Nội vào đêm 26-4 và người thể hiện đầu tiên là NSND Trung Kiên và được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng vào sáng 1-5-1975. Ca khúc còn lại là "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975.