Nhớ vị cơm lam, nhớ núi rừng
Cơm lam không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn là biểu tượng sống động của văn hóa, cuộc sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Giữa những dãy núi trùng điệp và thung lũng mờ sương của núi rừng Định Hóa, từ những ngày tháng gian khó, khi cơm lam trở thành nguồn sống của những người đi rừng, đến nay món ăn này vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc, mang trong mình câu chuyện dài về văn hóa và tình đất, tình người nơi vùng núi.
Hành trình của cơm lam bắt đầu từ những ngày tháng lao động nơi nương rẫy, khi cuộc sống còn thiếu thốn, đơn sơ. Người dân miền núi phải tìm cách để mang theo thức ăn trong những chuyến đi rừng dài ngày. Không có xoong nồi hay dụng cụ cầu kỳ, họ nghĩ ra cách dùng những đoạn ống tre, nứa non để nấu cơm. Tre, nứa là những vật liệu sẵn có trong rừng, không chỉ là “nồi cơm tự nhiên” mà còn góp phần tạo nên hương vị độc đáo của món ăn này.
Anh Hoàng Văn Hồng, xóm Tam Hợp, xã Lam Vỹ (Định Hóa): Gạo để làm cơm lam phải là gạo nếp nương, được trồng trên các triền đồi, nương cao. Loại gạo này đặc biệt ở chỗ hạt nhỏ, tròn và mang hương thơm thoang thoảng của đất trời. Gạo được vo sạch trong dòng nước suối trong vắt, sau đó ngâm qua đêm để mềm, dẻo hơn khi nấu. Những đoạn ống tre non xanh tươi, vừa mới chặt được rửa sạch, một đầu bịt lại bằng lá chuối rừng tươi, rồi nhồi gạo cùng một chút nước sạch vào bên trong.
Trên bếp than rực lửa, những ống cơm được trở đều tay, từng chút một, cho đến khi lớp vỏ ngoài cháy sém, hương tre nứa thoang thoảng quyện lấy mùi gạo nếp. Đó là lúc người làm cơm phải lắng tai nghe những tiếng nổ nhỏ của hạt gạo nở bung bên trong, âm thanh báo hiệu cơm đã chín dẻo, thơm lừng.
Cơm lam Định Hóa không chỉ là món ăn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên và bàn tay con người. Khi bóc lớp vỏ tre cháy xém, người ta sẽ thấy lộ ra bên trong một ống cơm trắng ngần, dẻo quánh. Mùi thơm của gạo hòa cùng hương tre, thoảng chút khói bếp, tạo nên một thứ hương vị mộc mạc nhưng quyến rũ lạ kỳ.
Người Định Hóa thường ăn cơm lam kèm với muối vừng rang giã nhuyễn, cá suối nướng vàng ruộm hay thịt lợn bản xiên que nướng thơm nức. Miếng cơm dẻo quánh, mềm mịn, thêm cái bùi bùi, ngậy ngậy của muối vừng và vị béo thơm từ thịt nướng. Tất cả như hòa quyện với nhau, đưa thực khách vào một hành trình cảm nhận đầy đủ sự đậm đà, trọn vẹn của núi rừng Định Hóa.
Hơn cả một món ăn, cơm lam là cách người dân Định Hóa giữ lại hồn cốt của mình qua bao thế hệ. Trong các dịp lễ hội hay ngày vui của làng bản, cơm lam luôn hiện diện như một biểu tượng của sự no đủ, của sự gắn kết cộng đồng. Bà Lương Thị Eng, năm nay đã ngoài 70 tuổi, tại xóm Tam Hợp, xã Lam Vỹ (Định Hóa), kể lại: Tôi vẫn nhớ như in những khoảnh khắc khi còn nhỏ, những buổi sáng se lạnh, tiếng gà gáy vang vọng từ xa đã thấy bố dậy từ lúc trời còn tối mờ. Lom khom bên bếp lửa, ông cẩn thận nhồi gạo vào ống tre non, bịt đầu bằng lá chuối xanh, rồi đặt lên bếp than rực lửa.
Mùi thơm của gạo, của tre nứa, quyện cùng hơi ấm của lửa lan tỏa khắp gian bếp nhỏ. Khi cơm chín, bố nhẹ nhàng bóc lớp tre cháy xém, để lộ những hạt cơm trắng ngần, dẻo mềm. Đó là bữa sáng đơn giản nhưng ngọt ngào nhất trong ký ức của tôi. - bà Lương Thị Eng
Chị Triệu Thị Nguyệt, xã Kim Phượng (Định Hóa) chia sẻ: Trước kia, cơm lam chỉ để ăn cho no khi đi làm nương xa. Giờ thì nó trở thành thứ không thể thiếu trong mâm cơm đãi khách. Người dân nơi đây tự hào lắm mỗi khi có khách đến chơi, bởi chỉ cần một ống cơm lam cũng đủ để kể cho họ nghe câu chuyện về con người và núi rừng quê hương Định Hóa.
Cơm lam không chỉ quen thuộc trong bữa cơm thường ngày của người dân Định Hóa mà còn là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng. Trong các phiên chợ vùng cao hay hội xuân, hình ảnh những ống cơm lam được nướng trên bếp than đỏ rực luôn thu hút sự tò mò và thích thú của du khách.
Chị Triệu Kim Huệ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lam Vỹ (Định Hóa): Người dân Định Hóa rất khéo léo trong việc gìn giữ và quảng bá món ăn này. Việc nấu cơm lam không đơn thuần là công việc hằng ngày, mà còn là cách để họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nấu cơm lam cần cái tâm, không chỉ chọn từng ống tre đúng cách, mà còn phải nắm được độ lửa, cách trở tay sao cho cơm chín đều, không bị sống hay cháy. Một ống cơm lam ngon là cả một câu chuyện về sự tỉ mỉ, khéo léo.
Du khách đến núi rừng Định Hóa không chỉ được thưởng thức cơm lam mà còn có thể tự tay tham gia vào quy trình làm món ăn đặc biệt này. Từ việc chọn từng đoạn tre non, múc từng gáo nước suối trong lành, đến việc nhóm lửa, nướng cơm, mỗi bước đều mang đến trải nghiệm đáng nhớ. Trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, giữa tiếng chim hót líu lo và hương thơm phảng phất của cơm lam, người ta như được sống chậm lại, hòa mình vào cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.
Cơm lam Định Hóa không chỉ là món ăn đặc sản, mà còn là biểu tượng của tình yêu thiên nhiên, sự khéo léo và lòng hiếu khách của con người nơi đây. Mỗi ống cơm lam mang theo hương vị của đất trời, của núi rừng, và cả những câu chuyện về một vùng đất giàu bản sắc. Dù là thực khách lần đầu nếm thử, hay người dân đã quen thuộc với món ăn này, cơm lam vẫn luôn để lại trong lòng họ những ấn tượng sâu sắc, như một khúc ca dịu dàng của thủ đô gió ngàn.