Biểu tượng của văn hóa Việt Nam
Nửa thế kỷ sau ngày non sông liền một dải, chiến thắng 30.4 không chỉ còn là ký ức lịch sử. Đó là biểu tượng sống động của sức mạnh văn hóa, của lòng dân, của một dân tộc luôn biết đi qua chiến tranh bằng nhân nghĩa và xây dựng hòa bình bằng khát vọng phát triển và đoàn kết.

Tháng Tư, đất trời phương Nam rực rỡ hơn bởi nắng, bởi hoa và bởi chính ký ức hào hùng mà lịch sử đã ghi khắc vào lòng dân tộc. Đã 50 năm kể từ ngày 30.4.1975, mốc son chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước, thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối, non sông liền một dải.
Nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về ngày thống nhất vẫn in đậm trong tâm trí người Việt. Theo dòng chảy thời gian, tinh thần chiến thắng 30.4 càng hiện lên rõ nét như một biểu tượng toàn diện: Không đơn thuần là thắng lợi về quân sự hay chính trị, mà là biểu hiện kết tinh sâu sắc của lòng yêu nước, của bản sắc văn hóa và truyền thống anh hùng bất khuất được bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Chiến thắng ấy bắt nguồn từ tinh thần quả cảm trên chiến trường, song không thể tách rời sức mạnh của lòng dân. Trong từng trang Sử, có hình ảnh của những bà mẹ tiễn con ra trận bằng lời ru thấm đẫm tình quê, những người vợ, người chị âm thầm gom góp từng hạt gạo, từng manh áo gửi ra tiền tuyến.
Đó là chiến thắng của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa gắn bó mật thiết với tình làng nghĩa xóm, với sự kiên cường và lòng vị tha, lấy nhân nghĩa làm gốc. Ngày đất nước liền một dải là bước ngoặt lớn, không chỉ khép lại chiến tranh, mà còn mở ra hành trình kiến tạo tương lai.
Hành trình ấy được xây dựng bằng trí tuệ và bàn tay con người, bằng khát vọng hòa bình và lòng tin son sắt vào phẩm chất Việt Nam, bản chất cần cù, kiên cường, nhân ái và khát vọng vươn lên. 50 năm là một quãng đường đủ dài để nhìn lại và suy ngẫm.
Chúng ta đã đi từ những ngày “đạp bằng bom đạn mà đi” đến hôm nay, khi cả dân tộc cùng nhau kiến tạo hòa bình và phát triển. Trong từng nụ cười trẻ thơ, từng con đường mới mở, từng công trình hiện đại mọc lên... vẫn vang vọng đâu đó âm hưởng của tháng Tư lịch sử, của chiến thắng không chỉ bằng súng đạn, mà bằng cả tâm hồn.
Ngày thống nhất hôm nay là dịp để tri ân, là lời nhắc nhở: Tinh thần 30.4 cần tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong từng hành động, trong từng quyết sách, trong từng công dân Việt Nam.
Bởi đất nước, dù thống nhất về mặt địa lý, vẫn cần được bồi đắp bằng sự đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc và ý chí vươn lên không ngừng nghỉ. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc kháng chiến vĩ đại, nhưng sâu xa hơn, đó cũng là hành trình của một nền văn hóa không khuất phục, luôn biết tự làm mới mình mà vẫn giữ lấy cốt lõi.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, văn hóa Việt không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là nguồn động lực to lớn để toàn dân tộc kiên cường vượt qua gian khó.
Từ lời ca, tiếng hát, đến những tác phẩm văn học, nghệ thuật kháng chiến…, tất cả đã hun đúc nên bản lĩnh và niềm tin tất thắng. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Chính văn hóa, với lòng yêu nước, nhân nghĩa, thủy chung, tinh thần cố kết cộng đồng, đã quy tụ sức mạnh toàn dân, tạo nên hậu phương vững chắc và tiền tuyến kiên cường.
Trong chiến tranh, súng đạn là phương tiện, nhưng chính văn hóa là cái gốc để dân tộc ta không bị tàn phá từ bên trong. Ngày thống nhất đất nước là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử, nhưng cũng là một biểu tượng văn hóa, nơi tinh thần đồng bào, nghĩa đồng bào được phát huy đến cao độ.
Đó là chiến thắng của lòng dân, của hàng triệu người Việt, dù ở hai miền đất nước hay nơi xa xứ, đều chung một ước vọng đoàn tụ, hòa bình.
Đó là chiến thắng của đạo lý làm người: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Sức mạnh ấy không thể tách rời khỏi bản sắc văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa không sùng bái bạo lực, luôn đề cao lòng nhân ái, khoan dung, hướng đến hòa giải và hòa hợp.
Sau ngày chiến thắng, thay vì trả đũa hay chia rẽ, dân tộc ta đã chọn con đường hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt căn bản, một tầm vóc văn hóa mà không phải dân tộc nào cũng có thể thực hiện được sau chiến tranh.
Năm mươi năm sau thống nhất, đất nước đã thay đổi sâu sắc. Kinh tế tăng trưởng, đời sống cải thiện, vị thế quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhìn lại giá trị cốt lõi đã làm nên thắng lợi năm xưa: Sự thống nhất về ý chí, về lòng dân và về văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ: Sự lai tạp, xói mòn bản sắc, nguy cơ thương mại hóa các giá trị truyền thống.
Vì thế, kỷ niệm ngày thống nhất hôm nay không chỉ là dịp để tri ân, mà còn là lời cảnh tỉnh, là thời điểm để khẳng định lại vai trò trung tâm của văn hóa trong sự phát triển bền vững quốc gia.
Thống nhất hôm nay không còn là thống nhất địa lý, mà là sự thống nhất trong ý thức văn hóa, nơi mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ nguồn cội, tự hào về truyền thống và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị Việt Nam trong thời đại mới.
Văn hóa không thể đứng ngoài dòng chảy phát triển. Văn hóa phải đi cùng kinh tế, chính trị, phải là nền tảng để đất nước không chỉ giàu mạnh, mà còn nhân văn, khai phóng và có chiều sâu.
Chiến thắng 30.4 là một di sản lớn của dân tộc, không chỉ vì nó chấm dứt chiến tranh, mà vì nó mở ra một chương mới, chương của hòa bình, hàn gắn và phát triển. Nhưng di sản ấy sẽ không sống mãi nếu chúng ta chỉ nhắc lại, mà không tiếp nối.
Văn hóa Việt Nam với tất cả chiều sâu lịch sử, với giá trị của lòng nhân nghĩa, đoàn kết và sáng tạo, chính là ngọn lửa giữ cho di sản ấy luôn sống động trong từng hành động, trong từng chính sách, trong từng công dân.
Và hôm nay, trong dòng chảy của 50 năm thống nhất, điều quaan trọng không chỉ là nhìn lại, mà là nhìn xa.
Nhìn về một tương lai mà trong đó, tinh thần tháng Tư không lùi về sau, mà tỏa sáng như một điểm tựa tinh thần, để dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng vững giữa thời đại, đi tới những đỉnh cao mới bằng chính bản sắc văn hóa và hồn thiêng dân tộc mình.