Biểu tượng của ngành hàng không Mỹ sẽ sớm vĩ đại trở lại?

Hôm 23/10 (giờ địa phương), Tập đoàn Hàng không Boeing chính thức công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, Boeing lỗ 6,17 tỷ USD trong quý này. Cùng ngày, các công nhân thuộc Hiệp hội Thợ máy quốc tế đã bỏ phiếu từ chối lời đề nghị hợp đồng và tiếp tục cuộc đình công kéo dài hơn 5 tuần, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của các nhà đầu tư và ban quản lý của Boeing về một giải pháp cho cuộc tranh chấp gay gắt này.

Theo giới chuyên gia, biểu tượng của ngành hàng không Mỹ đang đứng trước loạt thách thức chưa từng có, đòi hỏi một chiến lược phục hồi đủ tầm để từng bước xoay chuyển và vĩ đại trở lại như tuyên bố của CEO Kelly Ortberg.

Báo cáo tài chính của Boeing công bố hôm 23/10 nêu rõ, tập đoàn lỗ 6,17 tỷ USD trong quý III, nâng khoản lỗ từ đầu năm tới nay lên gần 8 tỷ USD. Trong quý, Boeing tiêu tốn 1,96 tỷ USD tiền mặt, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái là khoảng 310 triệu USD. Trong khi đó, doanh thu quý trước cũng giảm 1%, về mức 17,84 tỷ USD. Giám đốc Tài chính Brian West của Boeing dự báo, tập đoàn sẽ tiếp tục "đốt tiền" trong năm nay và 2025. Tuyên bố này dẫn tới việc cổ phiếu Boeing giảm 1,7%.

Một tin dữ khác mà Boeing phải đối mặt trong ngày 23/10 chính là việc các công nhân thuộc Hiệp hội Thợ máy quốc tế (IAM) đã bỏ phiếu từ chối lời đề nghị hợp đồng và tiếp tục cuộc đình công kéo dài hơn 5 tuần. Cụ thể, 64% công nhân phản đối thỏa thuận tăng lương 35% trong vòng 4 năm từ phía Boeing.

Boeing có khả năng phát hành cổ phiếu và trái phiếu với quy mô 15 tỷ USD để giải quyết khó khăn tài chính ngắn hạn. Nguồn: Getty images

Boeing có khả năng phát hành cổ phiếu và trái phiếu với quy mô 15 tỷ USD để giải quyết khó khăn tài chính ngắn hạn. Nguồn: Getty images

Các nhà lãnh đạo công đoàn nói với CNBC rằng họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Boeing về hợp đồng từ năm 2014: "Sau 10 năm hy sinh, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và chúng tôi hy vọng có thể làm được điều đó bằng cách nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán".

Ruben Zurita, một nhân viên của Boeing chia sẻ: "Tôi ở đây để được trả lương xứng đáng. Mọi thứ trên thế giới đều tăng giá và Seattle là một trong những tiểu bang có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất. Chúng tôi cần tăng lương để đủ sống". Theo các hãng đánh giá tín nhiệm lớn trên thế giới, nếu cuộc đình công của Boeing kéo dài, họ sẽ hạ xếp hạng trái phiếu của Boeing xuống mức không khuyến nghị đầu tư. Việc này thực sự là đòn chí mạng đối với biểu tượng của ngành hàng không Mỹ trong nỗ lực huy động vốn để tự cứu lấy mình. Do đó, rất có khả năng Boeing phải đưa ra các điều khoản tốt hơn để giải quyết khủng hoảng.

Theo Reuters, Boeing đang chìm trong khủng hoảng bởi một loạt scandal từ tài chính, vấn đề an toàn bay, đình công đeo bám dẫn đến sản xuất chậm trễ các model 737 MAX, 767 và 777. Hồi đầu tháng 10, Boeing cũng công bố kế hoạch giảm khoảng 10% nhân sự trên toàn cầu, tương đương 17.000 lao động. Trước tình hình trên, CEO Kelly Ortberg hôm 23/10 tuyên bố: "Việc tái khởi động khó hơn việc phải dừng lại rất nhiều. Đây là cuộc khủng hoảng lớn và sẽ mất một thời gian để xoay chuyển. Một khi đã chuyển được hướng, Boeing có thể vĩ đại trở lại". Ông Ortberg cũng nhấn mạnh, hiện ông đang xem xét hoạt động kinh doanh và dự báo dài hạn của Boeing. Theo giới phân tích, phát biểu này được coi như một tín hiệu lạc quan.

Chuyên gia Robert Stallard tại Vertical Research Partners lý giải: "Boeing trước đây còn không thừa nhận họ có vấn đề, chứ đừng nói đến việc khắc phục". Được biết, Boeing hiện có kế hoạch giải quyết khó khăn tài chính trong ngắn hạn, gồm phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu. Reuters trước đó trích nguồn tin thân cận cho biết, quy mô phát hành của hãng khoảng 15 tỷ USD.

"Dựa trên phân tích hiện tại về nhu cầu thị trường, tốc độ sản xuất, thời gian nhận thanh toán và trả các chi phí, chúng tôi tin vẫn đủ vốn để hoạt động trong tương lai gần và tiếp cận thêm thanh khoản thời gian tới", Boeing nêu rõ trong báo cáo tài chính quý III. Dù vậy, giới quan sát nhận định rằng Boeing có thể phải bán bớt tài sản, giảm quy mô lao động để tập trung vào mảng chính là sản xuất máy bay và thiết bị quốc phòng. "Tôi cho rằng chúng tôi nên làm ít đi và làm tốt hơn, thay vì dàn trải và chẳng cái nào làm ổn", CEO Boeing Kelly Ortberg nói.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trước đó cảnh báo, Boeing là một công ty lớn được tích hợp chặt chẽ vào mạng lưới sản xuất trong nước và việc đình trệ dây chuyền sản xuất có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế vĩ mô. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước, Boeing đóng góp tới 79 tỷ USD/năm và tạo ra 1,6 triệu việc làm tại Mỹ. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, chỉ riêng cuộc đình công cũng như việc sa thải tạm thời hoặc nghỉ việc theo tuần từ các nhà cung cấp của Boeing, đã làm giảm khoảng 50.000 việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 10 của Mỹ. Không những vậy, việc Boeing đang chìm trong khủng hoảng rõ ràng là điều có lợi cho đối thủ Airbus, thậm chí là Comac - công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Hiện Airbus của châu Âu vượt Boeing để trở thành nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Với vị thế là một trong hai tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất máy bay, cuộc khủng hoảng của Boeing còn gây ra ảnh hưởng rộng lớn khác, bởi không chỉ Mỹ mà nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào máy bay của Boeing để đi lại, kinh doanh, giao hàng và làm việc.

Financial Times nhận định, trong lịch sử hơn 100 năm, Boeing và nước Mỹ đã phụ thuộc vào nhau, cùng nhau tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, đưa nước Mỹ vươn lên bằng những máy bay quân sự hàng đầu và cung cấp máy bay cho toàn thế giới. Do đó, nếu Boeing cần được cứu thì chính phủ liên bang sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Tuy vậy, Boeing cần tái cấu trúc hoạt động bằng mọi cách. Lợi thế của độc quyền sẽ không đủ để cứu Boeing khỏi sự suy thoái trong dài hạn.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bieu-tuong-cua-nganh-hang-khong-my-se-som-vi-dai-tro-lai--i748233/
Zalo