10 năm, ngành giáo dục nhận 33.000 tỷ đồng xã hội hóa: Cần thêm nhiều chính sách thu hút đầu tư

Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung thêm các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế, tín dụng và đất đai để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2013-2023, đã có 36.000 phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa

Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2013-2023, đã có 36.000 phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa

Ngày 25-10, Bộ GD-ĐT đã tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên trong giai đoạn 2013 - 2023 với đánh giá nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương.

Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm vào khoảng 36.000 phòng; số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa vào khoảng 1.300 phòng.

Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên khoảng 33.000 tỷ đồng.

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy có trên 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Đối với công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể.

Trong đó, Bộ đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền và phong trào xã hội hóa, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc đóng góp cho giáo dục. Các chiến dịch kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội và doanh nghiệp cần được tổ chức rộng rãi hơn.

Tăng cường phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục. Các chính sách ưu đãi nên được cụ thể hóa và minh bạch, tạo động lực cho các nhà đầu tư.

Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực XHH, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả

Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chính Phủ, đề nghị nghiên cứu và sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến xã hội hóa giáo dục, cụ thể là Nghị định 69/2008/NĐ-CP về khuyến khích xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Cần bổ sung thêm các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế, tín dụng và đất đai để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến việc tiếp cận quỹ đất và các ưu đãi về thuế, tín dụng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cần có các chính sách miễn giảm chi phí sử dụng đất, tiền thuê đất và các thủ tục pháp lý khác để hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng CSGD tại các khu vực có điều kiện phát triển mạnh.

Có chính sách hấp dẫn về thuế cho các doanh nghiệp, khi tham gia hỗ trợ, xã hội hóa cho giáo dục.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/10-nam-nganh-giao-duc-nhan-33000-ty-dong-xa-hoi-hoa-can-them-nhieu-chinh-sach-thu-hut-dau-tu-post593553.antd
Zalo