Lãng phí - Họa nội xâm

Những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin, bài phân tích về sự lãng phí đến mức không hiểu nổi của dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018. Đến nay toàn dự án đã thi công được hơn 90% khối lượng công việc nhưng đang tạm dừng từ ngày 15/11/2020 cho đến nay.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, do kéo dài thời gian thực hiện nên dự án phát sinh chi phí lãi vay và các chi phí khác dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng.

Ngày 2/10/2024, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi 7 bộ và 3 cơ quan đề nghị có ý kiến hỏa tốc đối với báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về phương án tháo gỡ vướng mắc Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Sau khi nhận được báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến cụ thể bằng văn bản về giải pháp tháo gỡ dự án và cơ sở pháp lý, thẩm quyền giải quyết đối với những vấn đề vướng mắc được UBND TP Hồ Chí Minh nêu ra. Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ gửi ý kiến trước 17 giờ ngày 3/10 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/10/2024...

Cống Mương Chuối, một hạng mục của dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Cống Mương Chuối, một hạng mục của dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Điều đáng nói, dự án ngăn triều cường này là một ví dụ điển hình về những hạn chế trong quản lý đầu tư công, sự phối hợp yếu kém giữa các bên liên quan và một bộ máy hành chính còn quá nhiều vướng mắc.

Để tránh lãng phí tiếp diễn, song song với việc giải cứu, cơ quan chức năng cũng cần phải quy trách nhiệm thấu đáo với những cá nhân, tổ chức là tác nhân khiến 8 năm vẫn chưa hoàn thành dự án, dẫn đến sự lãng phí lớn về tiền của, nguồn lực.

Giải cứu và truy trách nhiệm thấu đáo trong dự án này, không chỉ là cách “chống lãng phí” và “xây dựng lại” niềm tin của người dân vào các dự án đầu tư công, mà còn làm gương cho nhiều siêu dự án khác đã và đang thực hiện trên phạm vi cả nước!

Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho tình trạng lãng phí, vô cảm và vô trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến dự án. Còn nếu kể ra, thì có lẽ phải mất rất, rất nhiều trang giấy về tình trạng lãng phí nhân lực, vật lực, tài nguyên và thời gian ở Việt Nam.

Chính vì thế mà dư luận rất phấn khởi khi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết "Chống lãng phí".

Bài viết nêu rõ, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phúc lợi xã hội của đất nước.

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khái quát một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Bài viết đề ra các giải pháp trọng tâm, bao gồm việc cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhấn mạnh yêu cầu giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng của quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém.

Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ án Phạm Công Danh, bị bỏ hoang nhiều năm, một trong những điển hình của nạn lãng phí.

Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ án Phạm Công Danh, bị bỏ hoang nhiều năm, một trong những điển hình của nạn lãng phí.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc tinh thần chống lãng phí như chống giặc nội xâm với 4 nhiệm vụ là:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước... Cần tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.

Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và quyết liệt, mạnh mẽ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lan tỏa đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống lãng phí để bảo vệ tài sản, tài nguyên đất nước và cả thời gian để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nguyễn Như Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/lang-phi-hoa-noi-xam-i748211/
Zalo