Biến rau sạch thành 'tơ vàng': Mô hình 'hái ra tiền' ở Việt Nam hiếm thấy

Từ bài tập về nhà, nuôi tằm bỗng trở thành trào lưu kinh doanh độc đáo tại nước ngoài, giúp thương nhân thu lãi 'khủng'.

Bài tập về nhà và cơ hội kinh doanh béo bở từ loài “nhả tơ”

Tại Trung Quốc, một trong những bài tập về nhà của học sinh tiểu học là ghi “Nhật ký nuôi tằm”. Lượng thức ăn của lũ tằm rất lớn, mỗi ngày chúng có thể ăn hết số lá dâu có trọng lượng gấp đôi cơ thể của chúng.

Để giúp trẻ nhỏ hoàn thành bài tập, một số phụ huynh đã tìm cách mua cây dâu để đáp ứng tốc độ ăn của tằm.

Và khi việc nuôi tằm đã trở thành “bài tập về nhà quốc dân” ở Trung Quốc, những thương nhân nhạy bén đã nhìn ra tiềm năng kinh doanh.

Trên sàn thương mại điện tử xứ Trung, sản phẩm “combo nuôi tằm từ trứng” giá 16,9 NDT/hộp đã trở thành “vị cứu tinh" của không ít học sinh.

Một người bán đến từ Kiến Đức, Chiết Giang có một cửa hàng bán tằm trực tuyến đã hoạt động hơn mười năm. Dựa vào số lượng lớn học sinh và người tiêu dùng trẻ tuổi, doanh thu hàng năm của người này có thể đạt đến hơn 10 triệu NDT (34,2 tỷ đồng).

“Một năm chúng tôi có thể bán ra 100 triệu con tằm, phụ huynh chỉ cần chi khoảng 200 NDT (685.000đ) là có thể trải nghiệm trọn vẹn vòng đời của tằm. Ngoài nuôi tằm, chúng tôi còn nghiên cứu và phát triển các đồ dùng học tập khác như combo nuôi nấm, về cơ bản là nghiên cứu và phát triển theo chương trình học của các em nhỏ”, Diệp Nguyên Đình, nhà sáng lập của thương hiệu “Tằm Cô Nương” chia sẻ.

Hiện tại, đối tượng nuôi tằm đang mở rộng, không chỉ giới hạn trong học sinh tiểu học mà còn có nhiều người trẻ. Những khách hàng trẻ này nuôi tằm để có cảm giác được “chữa lành”.

“Công viên tằm tại gia”: Trào lưu thành thị giúp thương nhân Trung Quốc “hốt bạc”

Không chỉ bán trực tuyến, một số siêu thị ở Trung Quốc còn bán hộp combo “dâu và tằm” để người tiêu dùng dễ dàng tìm mua hơn. Chẳng hạn như trong quầy rau ở chuỗi cửa hàng bán lẻ Hema có bán hộp lá dâu tằm giá 19,9 NDT (68.000đ), đính kèm hộp nhỏ đựng 100 quả trứng tằm. Một số người tiêu dùng nhận xét, bây giờ mua rau còn được nuôi “thú cưng” miễn phí.

Đầu tháng 2 năm nay, thương hiệu bán lẻ Hema đã thử nghiệm bán lá dâu ở một số cửa hàng. Kết quả là sau nửa tháng, phản hồi của thị trường đã vượt quá mong đợi. Sau đó, họ đã triển khai bày bán sản phẩm này trên khắp các cửa hàng lớn tại Trung Quốc. Đặc biệt, loại lá dâu tằm này thuộc nhóm rau củ ăn được.

Tại các cửa hàng, nhân viên của Hema còn vẽ bức tranh về “vòng đời của tằm”, trong đó còn chu đáo liệt kê 7 bước nuôi tằm. Thậm chí, để người “tay ngang” có thể ấp trứng tằm thành công, Hema đã dán mã QR bên ngoài mỗi hộp đựng lá dâu. Người mua chỉ cần quét mã để xem video hướng dẫn.

Trên Xiaohongshu - một nền tảng video ngắn của Trung Quốc, rất nhiều người dùng cũng đã chia sẻ quá trình nuôi tằm. Thậm chí, có người còn đặt chúng ở văn phòng để quan sát sự thay đổi hàng ngày.

Trào lưu này đã đánh trúng nhu cầu của người dân thành thị - không cần về quê trồng dâu, chỉ cần bỏ ra 16.9 NDT (58.000đ) là có thể có một "công viên tằm" tại nhà. Và quan trọng nhất là sản phẩm này đã thu hút được một lượng lớn học sinh.

Diệp Nguyên Đình, nhà sáng lập của thương hiệu “Tằm Cô Nương” cho biết, vòng đời của tằm là khoảng 30 ngày. Trong vòng ba đến bốn tuần, trọng lượng của tằm sẽ tăng gấp 10.000 lần, có thể giúp học sinh dễ dàng quan sát và xây dựng mô hình vòng đời động vật.

Anh cho biết thêm, không chỉ ở Chiết Giang mà nhiều thành phố ở cả miền Nam và miền Bắc Trung Quốc đều yêu cầu học sinh tiểu học quan sát vòng đời của tằm. Do đó, nhu cầu thị trường vẫn đang tăng lên.

Năm 2014, Diệp Nguyên Đình thành lập Công ty Gengyun Ecology Hàng Châu. Thời điểm đó, Canh Vân Sinh Thái gần như dồn toàn bộ vào thương mại điện tử và mở hai cửa hàng trực tuyến trên Taobao, một trong số đó là "Tằm Cô Nương".

Thời gian đầu, cửa hàng bán thức ăn cho tằm với mức giá dễ tiếp cận. Sau đó, Gengyun Ecology cũng không ngừng chuyển đổi. Theo Diệp Nguyên Đình, để tạo sự khác biệt, trước đây họ sẽ cho tằm ăn các loại "bữa ăn" có màu sắc khác nhau để tạo ra những chiếc kén tằm ngũ sắc bắt mắt.

Song song với việc bán tằm, Diệp Nguyên Đình còn tung ra bộ sản phẩm nuôi tằm bao gồm tằm con, lá dâu, hộp có lỗ thông khí, đồng thời còn mở rộng danh mục sản phẩm từ tằm sang cá thần tiên, kiến cảnh, ốc sên, hoa móng tay... lấy đối tượng học sinh làm trung tâm để mở rộng các loại sản phẩm.

Quá trình kinh doanh ban đầu rất gian khổ, nhưng thành quả thu được vô cùng ngọt ngào. Thời gian đầu, do bao bì vận chuyển không phù hợp khiến tằm bị chết, lá dâu cũng dễ bị hỏng do loại lá này yêu cầu rất cao về thời gian giữ tươi, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều có thể làm hỏng lá. Không chỉ vậy, Diệp Nguyên Đình cũng đã trải qua cuộc chiến giá cả khi bán tằm, cạnh tranh trực tiếp với những cửa hàng chỉ bán vài NDT, trong đó đã bao gồm phí vận chuyển.

Do đó, trong quá trình cải tiến sản phẩm, Diệp Nguyên Đình đã từ bỏ chiến lược cạnh tranh về giá, chuyển sang hướng khác biệt hóa về chất lượng và phát triển ngành. Thương hiệu Gengyun Ecology của anh đã hợp tác với Đại học Chiết Giang, nơi sử dụng công nghệ di truyền để nuôi cấy trứng tằm có thể tạo ra bốn màu. Trước đó, Gengyun Ecology cũng đã phát triển một giống tằm mới và độc đáo có khả năng sản xuất ra kén vàng.

Tiếp đó, về mặt bao bì sản phẩm, Gengyun Ecology đã phát triển loại “hộp cơm nhựa” có lỗ thông khí để đựng tằm non. Như vậy, tằm non có thể hô hấp dễ dàng, tránh tình trạng tằm bị hoại tử trước khi người dùng nhận được hàng.

Hiện tại, Diệp Nguyên Đình đã có một cơ sở trồng dâu rộng 100 mẫu tại quê nhà. Anh cũng đã mở thêm một cơ sở trồng dâu mới tại Quảng Tây. Theo anh chia sẻ, so với tằm, nhu cầu về lá dâu lớn hơn. Thương hiệu của anh đã bán được 2,5 tấn lá dâu mỗi ngày.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bien-rau-sach-thanh-to-vang-mo-hinh-hai-ra-tien-o-viet-nam-hiem-thay-204251304115208136.htm
Zalo