Trào lưu 'người chuột' gây sốt mạng xã hội: Khi giới trẻ chọn sống chậm, trốn tránh thành công

Một cụm từ lóng mới đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc: 'người chuột' (rat people) – chỉ những người trẻ chọn lối sống thu mình, chậm rãi và thờ ơ với thành công, trái ngược hoàn toàn với hình mẫu 'năng suất cao' được xã hội tôn vinh.

Không giống những người dậy từ 5 giờ sáng, tập gym và làm việc theo lịch trình dày đặc, “người chuột” dành phần lớn thời gian nằm trên giường, sống nhờ đồ ăn đặt ngoài, tránh giao tiếp và không đặt mục tiêu lớn cho cuộc đời.

Khái niệm này lan truyền mạnh mẽ sau một video được đăng cuối tháng 2 bởi cô gái trẻ sống tại tỉnh Chiết Giang, với tài khoản mạng xã hội là @jiawensishi. Trong video, cô ghi lại một ngày điển hình: nằm lì trên giường 3 tiếng sau khi thức dậy, vệ sinh cá nhân xong lại ngủ tiếp 5 tiếng, đến tận tối mới ăn bữa đầu tiên nhờ bố mẹ gọi dậy, rồi nửa đêm mới dọn đồ và đi tắm lúc 2 giờ sáng.

“Em là chuột. Một con chuột sống trong cống ngầm của nhịp sống hiện đại,” cô tự mô tả đầy tự giễu. Video này nhanh chóng gây bão mạng với hơn 400.000 lượt tương tác, cùng bình luận: “Chiếc vlog chân thực nhất từng xem.”

"Người chuột” dành phần lớn thời gian nằm trên giường, sống nhờ đồ ăn đặt ngoài, tránh giao tiếp và không đặt mục tiêu lớn cho cuộc đời. (Ảnh minh họa: Istock)

"Người chuột” dành phần lớn thời gian nằm trên giường, sống nhờ đồ ăn đặt ngoài, tránh giao tiếp và không đặt mục tiêu lớn cho cuộc đời. (Ảnh minh họa: Istock)

Câu nói được chia sẻ rộng rãi nhất từ cộng đồng “người chuột” là: “Chúng tôi mệt mỏi vì bị ép sống năng suất, ép phải thành công. Chúng tôi chỉ muốn được nằm ở đâu đó, bất cứ khi nào.”

Trào lưu này được xem như một làn sóng tiếp nối của phong trào “nằm thẳng” (lying flat) từng gây tranh cãi trước đây – nơi người trẻ Trung Quốc dùng sự tự giễu để phản ứng với áp lực xã hội quá lớn.

Một phụ nữ họ Lâm ở Bắc Kinh chia sẻ với South China Morning Post rằng cô làm việc tại nhà, hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp, sống bằng đồ ăn đặt ứng dụng và dành cuối tuần ngủ hoặc chơi game. “Tôi không cần tỏ ra đầy năng lượng hay tham vọng. Sống thoải mái là đủ,” cô nói.

Ngay cả các du học sinh Trung Quốc tại Anh cũng đang được nhắc đến như ví dụ điển hình. Đối mặt với thời tiết u ám và chi phí đắt đỏ, nhiều bạn trẻ chọn cách ở nhà, cắt giảm các mối quan hệ xã hội để giữ sức khỏe tinh thần.

Tính đến tháng 4/2025, các bài đăng liên quan đến “người chuột” đã vượt 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Nhân vật hoạt hình “Big Rat” do họa sĩ Sugar Xianbei sáng tạo đã trở thành linh vật không chính thức cho cộng đồng này, với doanh thu sản phẩm ăn theo lên tới 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD, tương đương 3,6 tỷ đồng).

Đối mặt với thời tiết u ám và chi phí đắt đỏ, nhiều bạn trẻ chọn cách ở nhà, cắt giảm các mối quan hệ xã hội để giữ sức khỏe tinh thần. (Ảnh: Weixin)

Đối mặt với thời tiết u ám và chi phí đắt đỏ, nhiều bạn trẻ chọn cách ở nhà, cắt giảm các mối quan hệ xã hội để giữ sức khỏe tinh thần. (Ảnh: Weixin)

Tuy nhiên, một số chuyên gia xã hội tỏ ra lo ngại. Ông Trương Dũng, nhân viên công tác xã hội tại tỉnh Hồ Bắc, cho rằng lối sống “người chuột” phản ánh xu hướng rút lui xã hội ngày càng rõ rệt trong giới trẻ. “Đây là cơ chế phòng vệ bị động sau những thất bại. Họ thu hẹp mối quan hệ, đơn giản hóa cuộc sống để phục hồi tinh thần,” ông phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Đó không phải là cách sống bền vững. Sau khi nghỉ ngơi, điều quan trọng là phải tìm lại những điều mình yêu thích và chủ động kết nối với cuộc sống.”

Khi lối sống “người chuột” trở thành làn sóng ngầm lan rộng trong giới trẻ, xã hội Trung Quốc đang phải đối diện với một câu hỏi lớn: Liệu chúng ta có đang đặt ra quá nhiều kỳ vọng cho người trẻ, đến mức khiến họ chọn cách... rút vào góc tối để thở?

Ngọc Bảo (Theo SCMP)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/trao-luu-nguoi-chuot-gay-sot-mang-xa-hoi-khi-gioi-tre-chon-song-cham-tron-tranh-thanh-cong-14043.html
Zalo