Biển Đông có áp thấp nhiệt đới, từ tối mai nhiều nơi mưa lớn

Chiều tối 13-7, áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Chiều 13-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc, 113,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10 km/giờ.

 Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTKTTVQG

Dự báo vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTKTTVQG

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới không đổi hướng, vẫn di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10 km/giờ. Cường độ áp thấp nhiệt đới duy trì ở cấp 6-7, giật cấp 9.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chếch sang hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và suy yếu dần.

Dự báo do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-4 m.

Từ ngày 14-7, vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao 1,5-3 m.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo mưa lớn ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Cụ thể, từ đêm 14-7 đến ngày 17-7, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to.

Theo đó, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa 60-120 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có lượng mưa 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Trung tâm này lưu ý cần đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bien-dong-co-ap-thap-nhiet-doi-tu-toi-mai-nhieu-noi-mua-lon-post800327.html
Zalo