Bí quyết giúp người cao tuổi sống lâu, sống khỏe

Để người cao tuổi không chỉ sống lâu mà còn sống khỏe, sống có chất lượng, cần sự phối hợp từ nhiều phía: Bản thân họ, gia đình, cộng đồng và chính sách xã hội.

Tuổi già vốn là giai đoạn dễ tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng nếu có phương pháp chăm sóc phù hợp, người cao tuổi hoàn toàn có thể tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa và hạnh phúc.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học

Dinh dưỡng là nền tảng quan trọng giúp người cao tuổi duy trì thể lực và phòng chống bệnh tật. Ở giai đoạn này, quá trình trao đổi chất trong cơ thể chậm lại, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả hơn, do đó cần có chế độ ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất.

Thực đơn nên bao gồm nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít béo, cá, đậu phụ và các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, chất xơ, omega-3. Nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn.

Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Ảnh minh họa/ Nguồn Internet

Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực

Nhiều người lầm tưởng rằng tuổi già là thời điểm nên “nghỉ ngơi hoàn toàn”. Trên thực tế, lười vận động chính là nguyên nhân khiến cơ thể nhanh suy yếu, các chức năng xương khớp và tuần hoàn máu bị suy giảm. Tập luyện thể chất đều đặn, nhẹ nhàng là “chìa khóa vàng” giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe.

Một số bộ môn phù hợp như đi bộ, dưỡng sinh, yoga, bơi lội nhẹ, đạp xe, thái cực quyền… sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng sức bền, điều hòa huyết áp, duy trì cân nặng và tăng cường sức đề kháng..

Chăm sóc tinh thần và duy trì kết nối xã hội

Sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất, đặc biệt ở người già. Khi bước sang tuổi cao, nhiều người dễ rơi vào cảm giác cô đơn, trầm cảm do con cái bận rộn, bạn bè cùng trang lứa dần vắng bóng, sức khỏe giảm sút và khả năng lao động không còn như xưa.

Để sống vui và sống khỏe, người cao tuổi cần có đời sống tinh thần phong phú. Họ nên duy trì những sở thích cá nhân như đọc sách, trồng cây, chơi nhạc, viết lách, tham gia các hội nhóm sinh hoạt cộng đồng. Những hoạt động này giúp họ thấy cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui, đồng thời giữ được tinh thần tích cực, sáng suốt và linh hoạt.

Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi bệnh mạn tính

Việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời. Người cao tuổi không nên tự ý dùng thuốc, không nên bỏ qua các dấu hiệu bất thường như mất ngủ kéo dài, chóng mặt, khó thở, đau nhức bất thường… Họ cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị, dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ và tái khám định kỳ.

Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện

Nhà ở nên có ánh sáng đầy đủ, không trơn trượt, có tay vịn ở nhà vệ sinh, cầu thang. Giường ngủ nên chắc chắn, độ cao vừa phải, tránh bị vấp ngã. Không gian nên gọn gàng, dễ di chuyển. Ngoài ra, cần hạn chế tiếng ồn, giữ không khí trong lành và thoáng mát.

Sống gần gũi với thiên nhiên, có cây xanh, ánh sáng mặt trời và không gian yên tĩnh sẽ góp phần làm cho người cao tuổi thư thái hơn, giúp điều hòa khí huyết và cải thiện giấc ngủ.

Trương Hiền

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/vietnamdaily-relax/bi-quyet-giup-nguoi-cao-tuoi-song-lau-song-khoe-270432.htm
Zalo