Bí mật về loài thằn lằn quý hiếm mang hình thù cá sấu ở Việt Nam
Thằn lằn cá sấu là sinh vật xuất hiện từ hơn 100 triệu năm trước, chỉ có ở Trung Quốc và một số vùng rừng hẹp ở miền Bắc của Việt Nam. Tại Việt Nam, thằn lằn cá sấu đang bị đe dọa với số lượng cá thể ước tính chỉ còn vài trăm con.

Thằn lằn cá sấu là loài cuối cùng còn tồn tại trong chi và họ Shinisauridae, xuất hiện từ hơn 100 triệu năm trước, chỉ có ở Trung Quốc và một số vùng rừng hẹp ở miền Bắc của Việt Nam. Thằn lằn cá sấu sống trên cây ở ven các con suối trong rừng ở độ cao từ 600 - 800m.

Loài bò sát rực rỡ này sở hữu ngoại hình giống cá sấu với bộ da sần sùi, nham nhở, đặc biệt là cái đuôi dài có hai hàng gai dựng đứng lởm chởm. Đặc điểm nhận dạng của thằn lằn cá sấu là màu da rực rỡ. Nó có thân màu nâu xám, bụng màu vàng nâu và vảy màu đỏ hoặc cam chạy dọc theo hai bên.

Loài “quái vật” này giống với thằn lằn ở chỗ, chúng có kích thước khá nhỏ nhắn (chiều dài cả thân và đuôi chỉ trên 30cm), khả năng vận động linh hoạt, leo trèo cây rất giỏi. Về mặt khoa học, chúng cũng được xếp vào họ thằn lằn.

Thằn lằn cá sấu cũng thích sống dưới nước, với khả năng bơi lặn tuyệt vời và kiểu săn mồi ẩn nấp dưới mặt nước như cá sấu. Chúng dành phần lớn thời gian trong vùng nước nông.

Giới khoa học đánh giá thằn lằn cá sấu là loài bò sát rất hiếm và còn ít được nghiên cứu. Trên thế giới, chúng chỉ xuất hiện tại một số khu rừng của tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây và Quý Châu của Trung Quốc và dãy núi Yên Tử ở Quảng Ninh, Việt Nam.

Thức ăn của thằn lằn cá sấu bao gồm các loài côn trùng nhỏ, ốc sên và nòng nọc và giun đất. Do ô nhiễm môi trường và tình trạng săn bắt bừa bãi đang đe dọa đến sự tồn tại của loài động vật kỳ lạ này.

Loài này được cộng đồng châu Âu (EU), Việt Nam và Trung Quốc đề xuất nâng hạng từ Phụ lục II lên Phụ lục I do số lượng cá thể hiện rất ít. Các nhà nghiên cứu không ngừng làm việc để cải thiện các biện pháp bảo vệ thằn lằn cá sấu, bao gồm cả việc thành lập các chương trình nhân giống.