Bí mật trí tuệ của người Do Thái

Ý tưởng cơ bản của người Do Thái là: Hãy đặt một mục tiêu không tưởng, và sau đó suy nghĩ một cách thực tế về việc bạn có thể đạt được điều đó bằng cách nào, bởi vì không gì là không thể cả.

Bí mật thứ nhất nằm ở sức mạnh sáng tạo và trí tưởng tượng vô hạn của người Do Thái. Người Do Thái có một trí tưởng tượng đặc biệt, họ tin rằng trí tưởng tượng chính là sức mạnh. Một điều không logic cũng có thể trở nên logic nếu bạn có một trí tưởng tượng sáng tạo.

Mọi người thường bảo bạn phải đặt ra một mục tiêu thực tế và nghĩ đến những cách thực tế để đạt mục tiêu đó. Nhưng ý tưởng cơ bản của người Do Thái là: Hãy tưởng tượng ra điều ngớ ngẩn nhất có thể. Hãy đặt một mục tiêu không tưởng, và sau đó suy nghĩ một cách thực tế về việc bạn có thể đạt được điều đó bằng cách nào, bởi vì không gì là không thể cả.

Điều này có liên quan đến bối cảnh lịch sử. Người Do Thái tin rằng Chúa là trừu tượng và không thể mô tả được. Không giống với cách người Hy Lạp và Ai Cập mô tả Chúa vào thời điểm đó, tạo ra các bức tượng và vẽ nhiều khuôn mặt của Chúa và Nữ thần, người Do Thái tự giải phóng bản thân để tưởng tượng Chúa như thế nào trong mắt mỗi cá nhân mà không cần tuyên bố và đồng ý Chúa được cho là như thế nào? Hình dạng là gì? Giới tính, đàn ông hay phụ nữ?, những điều mà mọi người sẽ luôn mặc định khi lần đầu tiên nghe từ Chúa.

 Ngôi sao David biểu tượng cổ xưa của người Do Thái. Ảnh: Vecteezy.

Ngôi sao David biểu tượng cổ xưa của người Do Thái. Ảnh: Vecteezy.

Hơn nữa, trong suốt lịch sử, người Do Thái luôn bị tra tấn, từ chối và đẩy ra xa ở mọi nơi họ đến. Có thể thấy điều đó thông qua lịch sử Ai Cập cho đến Đức. Họ luôn được biết đến là một chủng tộc sống sót. Và điều khiến họ thành công chỉ đơn giản là sức mạnh của trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là điều duy nhất giúp người Do Thái giữ được sự tỉnh táo trong trại tập trung, thậm chí nó còn giúp một số người trong số họ sống sót cho đến nay.

Bí mật thứ hai là nguyên tắc của người sống sót. Trong lịch sử, cứ khi nào người Do Thái giành được một chút đất đai thì chẳng bao lâu sau sẽ lại có một kẻ thống trị mới đến, chiếm lấy tài sản của họ và đuổi họ đi. Người Do Thái cũng phải sống với hàng tá hạn chế về kinh tế.

Nói về nghề nghiệp, họ phải tham gia vào những nghề nghiệp được coi là bẩn thỉu và mờ ám như là cho vay nặng lãi, thương mại, bất động sản, hoặc những nghề nghiệp thuộc về dịch vụ như là y khoa, luật hay tư vấn. Nhưng một điều rất nghịch lý ở đây là chính những giới hạn và điều luật kìm nén người Do Thái lại cho họ một lợi thế rõ ràng so với những người khác: lối sống khiến họ luôn phải vận động, phải phản ứng tức thì trong những tình huống căng thẳng và những hoàn cảnh biến đổi không ngừng.

Nếu quen với sự thoải mái và luôn hài lòng về những gì mình đang có, bạn sẽ mất đi ý chí phấn đấu và dần dần, những tài năng và các giác quan trong con người bạn cũng bị thui chột. Bạn không còn thấy những điều mới mẻ nữa. Thói quen và cảm giác thoải mái làm mọi thứ biến dạng. Hãy tiếp tục lang thang, cả về thể xác lẫn tinh thần, để trải nghiệm những điều mới mẻ. Đừng bao giờ để mình cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay đạt đến độ thoải mái và đảm bảo về tài chính! Hãy đặt cho mình những mục tiêu mới, những sự bứt phá mới để bản thân luôn tiến về phía trước. Dù bạn là ai hay bao nhiêu tuổi, hãy phấn đấu đến cùng.

Bí mật thứ ba, người Do Thái có thể sống mà không có vật chất nhưng không thể sống trong sự ngu dốt. Ai cũng có một khao khát cơ bản là được hiểu biết nhưng không phải xã hội nào cũng ưu tiên cho giáo dục. Chẳng thiếu gì lý do để biện hộ cho việc này: họ không có tiền, và nếu có đi nữa thì có vẻ đầu tư số tiền đó vào phát triển kinh tế sẽ có nghĩa hơn nhiều so với đầu tư vào sách vở, trường lớp hay các thứ “xa hoa”. Nhưng người Do Thái thì khác.

Trong suốt lịch sử, họ luôn sống ở những nơi tồi tàn. Một cậu bé có thể không có nổi một miếng thịt nhưng không thể không có sách vở. Đề cao việc học hành là một giá trị rất cao đối với người Do Thái. Họ tập trung vào việc sử dụng cái đầu, sau đó mới đến chân tay. Đó là lý do giải thích tại sao hầu hết người Do Thái đều làm việc trong những ngành ít đòi hỏi vận động mà chủ yếu tập trung trí óc như y khoa, thương mại, luật, v.v...

Học tập không ngừng là nền tảng của trí tuệ Do Thái. Trong câu chuyện, Jerome nhận ra rằng người Do Thái xem việc học là một nhiệm vụ suốt đời. Anh bắt đầu đọc sách và thảo luận với người thầy của mình về những chủ đề từ triết học đến kinh tế. Qua đó, Jerome nhận ra rằng việc học không chỉ giới hạn ở trường lớp mà còn có thể diễn ra hằng ngày thông qua các hoạt động bình thường. Qua đó, chúng ta thấy rằng sự phát triển trí tuệ là kết quả của một cam kết lâu dài với việc học hỏi và mở rộng kiến thức, thực hành học tập liên tục.

Eran Katz/Alpha Books-NXB Lao động - Xã hội

Nguồn Znews: https://znews.vn/bi-mat-tri-tue-cua-nguoi-do-thai-post1531990.html
Zalo