Bí mật đằng sau những bản nhạc phim
Nhạc phim đã ra đời ngay từ buổi đầu của điện ảnh. Nhạc phim trở thành điều không thể thiếu trong việc tiếp thị phim ra toàn thế giới đương đại.
Ngày càng có nhiều bộ phim Việt được đầu tư “khủng” vào âm nhạc. Tuy nhiên không phải nhà làm phim nào cũng hiểu và sử dụng nhạc phim thích hợp cho tác phẩm của mình.
Thuở vừa xem phim, vừa nghe nhạc sống
Gần 130 năm trước, lần đầu tiên công chúng Paris chứng kiến anh em nhà Lumìere giới thiệu chiếc máy quay phim của họ (cinématographie). Trong cuộc triển lãm đó, một nghệ sĩ piano được mời đệm theo những diễn biến trong phim. Rõ ràng là, phim không bao giờ thinh lặng mà chỉ đã có lúc “không nói được” (chắc vì vậy mà được gọi là “phim câm”). Ngay từ lúc đầu, âm nhạc đã là một thành phần trọng yếu cho một cuộc trình chiếu và trải nghiệm phim. Trong một buổi chiếu phim thời xưa không chỉ có máy chiếu và màn hình mà người ta còn bố trí một cây đàn piano, một cây organ ống, thậm chí cả dàn nhạc. Như vậy, ngay từ thời phim câm đã có người đệm nhạc trực tiếp. Âm nhạc và điện ảnh đã có một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo.
Vào cuối thập niên 1920, phim có tiếng nói bắt đầu xuất hiện, Ban đầu chỉ là một đoạn phim ngắn có đồng bộ âm thanh với hình ảnh mang tên The Jazz Singer do hãng Warner Bros phát hành vào năm 1927. Nhưng sự kiện đó vẫn đánh dấu một cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt trong việc gắn kết dạng thức vật lý của âm thanh, trong đó có âm nhạc, với hình ảnh.
Đáng buồn là kể từ lúc đó chưa có nhà âm nhạc học nào nghiên cứu về sử dụng âm nhạc trong phim. Phải đến năm 1979, nhà âm nhạc học Martin Marks mới công bố một tài liệu nghiên cứu mang tính cột mốc. Đó là bài viết Film Music: The Material, Literature, and Present State of Research. Qua đó, ông đã cho rằng nhạc phim chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản. Điều đó còn đúng đến thời đại của chúng ta ngày nay.
Nhạc phim: Thay lời muốn nói
Dù là một tác phẩm dàn nhạc, một ca khúc phổ thông, một phần đệm ngẫu hứng hay thậm chí chỉ là một ý tưởng âm nhạc, nhạc phim cũng có thể làm được nhiều điều.
- Bình luận về hình ảnh: Trong những ngày đầu của nhạc phim, âm nhạc hầu chỉ dùng để bình luận về hình ảnh. Một cảnh phim chiến đấu sẽ được cảm nhận như là hào hùng, có chính nghĩa nhờ phần âm nhạc góp phần “phán xét”.
Một cảnh đối thoại giữa hai nhân vật sẽ được hiểu rõ là buồn, bế tắc khi có thêm nhạc nền minh họa. Dùng âm nhạc để bình luận hình ảnh đòi hỏi người sử dụng phải có một kiến thức về lịch và văn hóa âm nhạc nhất định. Chúng tôi đã từng xem một phóng sự truyền hình về một con kênh tại TP.HCM có phần nhập đề phim với mặt nước lấp lánh ánh nắng mặt trời nhưng đen ngòm và rác lềnh bềnh nổi trên nền nhạc là phần mở đầu từ bản sonate “Ánh trăng” của Beethoven! Thật khủng khiếp!
- Tạo mối tương quan trong cốt truyện: Trong âm nhạc, Leitmotif (chủ đề dẫn đạo) được hiểu là “một nhạc đề ngắn được dùng để đại diện cho một nhân vật, nơi chốn hoặc ý tưởng và được tái hiện trong suốc tác phẩm”. Wagner đã sử dụng các Leitmotif một cách đại trà trong những vở opera của mình. Thủ pháp này được nhiều nhà soạn nhạc dùng trong các bối cảnh điện ảnh ngay từ những ngày đầu của nhạc phim.
Với chủ đề âm nhạc dẫn đạo, người xem dễ nhận ra đặc điểm riêng của từng nhân vật, tình huống, địa điểm. Chẳng hạn, mỗi khi nghe tiếng sáo vang lên người ta hiểu nhân vật nữ chính, “nàng thơ” của bộ phim xuất hiện; hoặc tiếng kèn bassoon (fagotto) gắn liền với những vai phản diện hay cảnh tượng đe dọa, hồi hộp. Âm nhạc giúp thu hút sự chú ý đến các yếu tố trên màn hình, do đó làm rõ được các vấn đề của cốt truyện và diễn biến của câu chuyện.
- Tạo bầu không khí: Âm nhạc có thể tạo nên một tâm trạng và xây dựng một bầu không khí. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhạc phim. Khi nghe tiếng violin đơn độc diễn những quãng nhạc đi xuống liền nhau ở giọng thứ trong giai điệu chủ đề của nhạc phim Schindler’s List (Danh sách Schindler, 1993 của đạo diễn John Williams) chúng ta cảm nhận được ngay tâm trạng buồn bã, thất vọng trong một bầu không khí ảm đạm, lạnh lẽo trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã. Ngoài ra, người xem còn cảm nhận được sự tồn tại của điều thiện và sự ác luôn tồn tại bên nhau, những khúc mắc mang ính đối kháng của câu chuyện trong phim.
- Miêu tả cảm xúc: Âm nhạc có thể phục vụ cho bộ phim bằng cách đi vào cảm xúc của nhân vật. Đây là chức năng quan trọng thứ hai của âm nhạc: Góp phần hình thành cảm xúc, đôi khi chỉ được thể hiện mờ nhạt qua hình ảnh, vừa để nhân vật biểu cảm, vừa để khán giả cảm nhận.
- Trở thành tài liệu tham khảo về xã hội/văn hóa/địa lý: Âm nhạc có thể có tác dụng rất tốt trong việc làm rõ di sản của một nhân vật/nhóm nhân vật hoặc bối cảnh địa lý của bộ phim hoặc một cảnh. Ví dụ, nếu nghe thấy giai điệu của một bản tango vang lên trong một cảnh phim nhất định, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mộ thành phố nào đó của Argentina; hoặc với cảnh phim những tòa nhà cao tầng nổi lên giữa các làn đường xe hơi, xe máy trong bầu trời ngập nắng và trên nền nhạc không lời của ca khúc Sài Gòn của Nhạc sĩ Y Vân, người xem dễ dàng phát hiện ra nơi đang diễn ra câu chuyện phim mà không cần chú thích.
- Giúp tham chiếu thời gian: Âm nhạc cũng có thể có tác dụng rất tốt để xác lập một thời gian hoặc khoảng thời gian nhất định. Âm nhạc nghe có vẻ rất baroque sẽ đưa chúng ta quay trở về thế kỷ ở châu Âu. Những đoạn hồi tưởng có thể được hỗ trợ rất tốt bởi phong cách âm nhạc thích ứng với thời gian được miêu tả trong phim và từ đó làm cho những đoạn hồi tưởng trở nên dễ hiểu hơn.
- Kết nối các cảnh, đoạn phim: Nhạc phim có thể hợp nhất một loạt những hình ảnh tưởng chừng rời rạc và truyền nhịp điệu vào diễn biến của chúng. Âm nhạc giúp gắn kết các cảnh lại với nhau rất tốt. Những thay đổi cảnh khá khắc nghiệt có thể được làm dịu đi bằng cách thêm nhạc vào phần thay đổi cảnh.
Ngay từ thời phim câm đã có người đệm nhạc trực tiếp. Âm nhạc và điện ảnh đã có một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo .