Vườn thị cổ thụ 'che bộ đội, vây quân thù'
5 cây thị cổ thụ ở Nghệ An không chỉ là 'báu vật' của dòng họ Lê Văn mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.
Gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, 5 cây thị cổ thụ ở Nghệ An không chỉ là “báu vật” của dòng họ Lê Văn mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.
Bí ẩn về “ngũ đại thị thụ”
Trong khu vườn rộng hơn 3.000m2 của gia đình ông Lê Thanh Hà (SN 1952), trú tại xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) hiện hữu 5 cây thị cổ thụ sừng sững, uy nghi. Gốc cây to lớn, vỏ xù xì, rêu phong, in hằn dấu ấn lịch sử suốt nhiều thế kỷ. Cây thị lớn 6 - 7 người ôm, bên trong thân bị rỗng ruột, nhiều người có thể chui vào.
Theo lời kể của ông Hà - hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Lê Văn ở xã Nghi Thịnh, dựa trên gia phả dòng họ, vào đầu thế kỷ XV, tướng quân Lê Văn Hoan (quê Thanh Hóa) dẫn quân Nam tiến, bình định giặc Chiêm Thành xâm lược. Trên đường hành quân, ông phát hiện vùng đất xã Nghi Thịnh ngày nay với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, có 5 cây thị cổ thụ sum suê trĩu quả. Vị tướng quyết định cho quân dừng chân nghỉ ngơi, hái quả thị giải khát.
Sau đó, đội quân của tướng Lê Văn Hoan liên tiếp giành thắng lợi, đẩy lùi quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi. Trên đường khải hoàn, cảm mến vùng đất này, ông quyết định ở lại, chiêu mộ dân khai hoang, lập làng và đặt tên là Xuân Tình. Từ đó, dòng họ Lê Văn trở thành chủ sở hữu của 5 cây thị cổ thụ.
Để tưởng nhớ chiến công và ghi dấu ấn lịch sử, tướng Lê Văn Hoan cho lập đền thờ và dặn dò con cháu đời đời bảo tồn 5 cây thị quý. Câu chuyện về “ngũ đại thị thụ” và sự hình thành làng Xuân Tình trở thành một phần ký ức không thể tách rời của người dân địa phương.
Sau nhiều thế kỷ, năm 1788, trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đại phá quân Thanh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chọn vùng đất này làm nơi dừng chân chiêu mộ binh sĩ. Ban ngày, cánh đồng rộng lớn dưới tán cây thị trở thành bãi tập luyện của nghĩa quân. Đêm đến, 5 cây thị cổ thụ vững chãi thành nơi buộc voi chiến.
Khi tập hợp đủ lực lượng hùng mạnh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ với khí thế như vũ bão tiến quân ra Bắc, khiến quân Thanh kinh hồn bạt vía. Chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc, đồng thời gắn liền với hình ảnh 5 cây thị cổ thụ nơi đây.
Giữa thảm cảnh nạn đói kinh hoàng năm 1945, người dân làng Xuân Tình may mắn sống sót nhờ vườn thị cổ thụ. Ông Hà xúc động kể lại, 5 cây thị trĩu quả trở thành nguồn sống của cả làng trong thời khắc sinh tử. Quả xanh người dân lấy chấm muối, quả thị chín thì bóp mềm để ăn.
Trong giai đoạn quân đội Mỹ bắn phá miền Bắc những năm 1968 - 1972, vườn thị trở thành nơi “che bộ đội, diệt quân thù”. Thân cây rỗng trở thành nơi trú ấn, dưới đất một hệ thống giao thông hào được đào liên hoàn. Ban chỉ huy quân kháng chiến Quân khu IV từng chọn nơi đây làm nơi chỉ huy của nhiều trận đánh lớn.
“Vì ở đây có trận địa tên lửa nên bom đạn rất ác liệt. Ông bà nội tôi đã nghiên cứu, khoét lỗ, đào hầm trú ẩn dưới gốc cây thị. Hầm rộng khoảng 3m2, chạy ra vào thoải mái, tôi vẫn thường ngủ, học bài dưới căn hầm này”, ông Hà cho hay.
Dưới mưa bom bão đạn, 5 cây thị to lớn vẫn nguyên vẹn, không một mảnh bom nào chạm được vào thân cây. Người dân địa phương truyền tai nhau, trong cây thị có thần nên không bom đạn nào động đến được.
Gần chục năm trước, gia đình ông Hà tiến hành cải tạo khu vườn có 5 cây thị cổ thụ. Những lối đi được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ. Bên cạnh đó, nhiều loại cây mới cũng được vợ chồng ông trồng thêm, tạo nên cảnh quan xanh mát, hài hòa.
“Báu vật” chốn làng quê
Dù gần 700 năm tuổi nhưng 5 cây thị cổ thụ ở làng Xuân Tình vẫn cho quả sai trĩu cành. Mỗi cây lại mang những đặc điểm riêng biệt, tạo nên nét độc đáo cho khu vườn. Cứ vào tháng 4 hàng năm, hoa thị nở trắng muốt, đến giữa tháng 7 thì quả chín vàng. Hương thơm lan tỏa khắp vùng, thu hút người dân đến xin hái quả về thắp hương. Trẻ em trong làng cũng thường xuyên lui tới vui chơi, hái quả.
Trong số 5 cây thị, cây lớn nhất gọi là “thị họ”, với đường kính thân lên đến 6 - 7 người ôm. Quả thị họ to, nặng trung bình 6 - 7 lạng, hương thơm ngào ngạt. Tương tự, cây “thị hồng” cũng nổi bật với thân hình xù xì, nhiều hốc, có thể chứa được 1 - 2 người ngồi bên trong. Quả thị hồng to gần bằng quả cam, khi chín có màu phớt hồng đẹp mắt.
Ba cây còn lại là “thị bần”, thân cây cũng đồ sộ với đường kính 4 - 5 người ôm. Quả thị bần nhỏ hơn, chỉ bằng quả quýt, mọc thành chùm, không có hạt và có vị ngọt lịm.
Điều kỳ lạ là, quả thị bần chỉ ăn được trước rằm tháng 7 âm lịch. Sau rằm, quả nào cũng có giòi. Người dân địa phương cho rằng, sau lễ cúng cô hồn, những vong hồn chưa được siêu thoát sẽ đến ăn quả thị, khiến quả có giòi.
Tiếng lành đồn xa, vườn thị cổ thụ của gia đình ông Hà thu hút sự chú ý của đông đảo du khách thập phương. Nhiều người sẵn sàng trả giá tiền tỷ để sở hữu những cây thị quý hiếm này, nhưng gia đình ông kiên quyết không bán.
Đối với dòng họ Lê Văn, 5 cây thị cổ thụ không chỉ là tài sản vật chất mà còn là nguồn mạch phát triển, là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với lịch sử và truyền thống của dòng họ.
Sau nhiều năm gìn giữ, quyết tâm bảo vệ của gia đình ông Hà được đền đáp xứng đáng. Năm 2011, 5 cây thị cổ thụ được các nhà khoa học xác định có tuổi đời trên dưới 700 năm và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Đây là cây di sản đầu tiên của một dòng họ được công nhận ở cấp quốc gia, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, 5 cây thị cổ thụ vẫn sừng sững vươn lên, sum suê, tỏa bóng mát. “Bảo vật” quốc gia này không chỉ là niềm tự hào của dòng họ Lê Văn mà còn là biểu tượng cho sức sống bền bỉ của làng Xuân Tình.
Nhận thức được điều này, ông Hà cho biết, gia đình thường xuyên đón tiếp các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử và những câu chuyện kỳ bí xung quanh 5 cây thị cổ thụ. Qua đó, khơi dậy trong các em tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường và trân trọng những di sản quý giá của dân tộc.
Ông Hà chia sẻ, có trả giá bao nhiêu gia đình tôi cũng không bán, bởi vì tiền dần sẽ tiêu hết. Giá trị của cây thị cổ thụ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là cả giá trị tinh thần mà không thể đong đếm được bằng giá trị vật chất.